Dư luận bức xúc
Những ngày qua, dư luận dậy sóng khi mạng xã hội xuất hiện clip một tài xế xe sang đã dùng mũ bảo hiểm đánh dã man một người giao hàng (shipper) bị khuyết tật.
Tường trình tại cơ quan công an, shipper Nguyễn Xuân Hưng (31 tuổi) cho biết, sáng ngày 10/2, trong lúc dừng xe tại ngách 50/310 Nghi Tàm (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) để đợi lấy đồ thì xảy ra va chạm với xe Lexus. Sau đó, những người trên ô tô đã chửi bới, còn tài xế lao xuống xe rồi xông vào đấm nam shipper tới tấp.
Clip từ camera hiện trường khiến dư luận bàng hoàng khi thấy nam shipper “chịu trận” gần 20 cú đấm của đối phương trong khoảng 30 giây, thậm chí còn bị đánh bằng mũ bảo hiểm. Chiếc mũ sau đó vỡ nát. Những hành động bạo lực của tài xế ô tô chỉ dừng lại khi 2 người trên chiếc Lexus xuống giữ người đàn ông lại.
Liên quan đến vụ việc, Công an quận Tây Hồ đã khởi tố vụ án, tạm giữ tài xế Tống Anh Tuấn (SN 1982, trú tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) để điều tra về hành vi "Cố ý gây thương tích".
Cũng trong ngày 10/2, ông N (SN 1962; thường trú tại Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) tổ chức đám cưới cho người thân. Lúc này, anh K (SN 2004, thường trú tại Sóc Sơn, Hà Nội) điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Kia Carnival màu đen đỗ trước cửa rạp.
Thấy vậy, ông N đề nghị anh K lái xe di chuyển nhưng do xe di chuyển chậm nên ông N gõ cửa kính ghế lái xe rồi 2 bên lời qua tiếng lại. Ông N sau đó bức xúc đã kéo cổ áo, dùng tay phải đấm anh K lúc này đang ngồi trong ô tô.
Lái xe ô tô bị hành hung trên phố Cửa Đông ngày 10/2.
Làm việc với Công an quận Hoàn Kiếm, ông N đã thừa nhận việc đấm anh K vào phần gò má đuôi mắt trái. Hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục làm rõ và giải quyết vụ việc.
Trước đó, một đoạn clip ghi lại tình huống giao thông xảy ra chiều 7/2 trên đường Nguyễn Chí Thanh đoạn qua thôn Thanh Tân, xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn, tỉnh Hà Tĩnh giữa 2 xe máy đi cùng chiều khiến 1 người tử vong cũng khiến dư luận phẫn nộ bởi chỉ vì 1 va chạm nhỏ, 1 người đàn ông đã lao vào đánh người còn lại khiến nạn nhân thiệt mạng.
Theo clip hiện trường, thời điểm xảy ra tai nạn xe máy của anh Nguyễn Đức Luận (33 tuổi) từ phía sau chạy vượt lên với tốc độ khá nhanh bất ngờ va vào đuôi trái xe của đối tượng Hoàng Trung Hiếu (30 tuổi) khiến cả hai ngã xuống đường.
Bực tức sau va chạm, Hiếu dùng chân đá mạnh vào đầu anh Luận gây thương tích. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong sau đó. Hiện lực lượng chức năng đã khởi tố đối tượng Hoàng Trung Hiếu và đang tiếp tục điều tra để xử lý vụ việc.
Ngày 1/2, anh Phạm Ngọc Tuân (SN 1980, trú phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lái xe ôtô đi từ huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đi Hà Nội. Khi đến gần phà Cồn Nhất thì xảy ra mâu thuẫn với ô tô do anh V.Đ.T. (SN 1987, trú tại TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) điều khiển. Sau đó, Tuân gọi điện cho em trai đến giải quyết mâu thuẫn và cả hai tấn công tài xế T. một cách dã man ngay trên đường. Thời điểm xảy ra vụ việc trong xe của anh T. còn có cả trẻ em. Sự việc khiến các cháu bé rất hoảng sợ. Hai anh em Phạm Ngọc Tuân hiện đã bị Công an tạm giữ để làm rõ và xử lý.
Các chuyên gia cho rằng, tình trạng bạo lực giao thông đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Những va chạm nhẹ trên đường có thể bùng phát thành xung đột, thậm chí dẫn đến chết người do thiếu kiểm soát cảm xúc. Không ít người dường như cảm thấy cái tôi hoặc danh dự bị đụng chạm khi va chạm giao thông, đặc biệt khi có đám đông quan sát họ sẽ phản ứng mạnh dẫn đến hành vi bạo lực bột phát.
Hãy ứng xử có văn hoá
Nhìn nhận các sự việc liên tiếp diễn ra những ngày qua, luật sư Phạm Thanh Hải – Văn phòng Luật sư Hải Thanh cho rằng, những hành vi bạo lực này không chỉ gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản của người khác mà còn tạo ra môi trường giao thông không an toàn, ảnh hưởng đến trật tự công cộng và văn minh xã hội. Hành vi vi phạm pháp luật này rất đáng lên án và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi bạo lực giao thông là vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy tính chất vụ việc.
Để giảm thiểu và ngừng bạo lực trong các tình huống va chạm giao thông, cần kết hợp nhiều giải pháp. Bên cạnh việc áp dụng các chế tài nghiêm minh để xử lý vi phạm, cần chú trọng các chương trình giáo dục về luật lệ giao thông, kỹ năng ứng xử và sự tôn trọng lẫn nhau trên đường.
Vị luật sư này cho rằng, việc đào tạo lái xe hiện nay đang dành rất ít thời lượng cho việc đào tạo về văn hoá và ứng xử trong các tình huống giao thông trên đường. Nội dung này nên được tăng cường để người tham gia giao thông có thêm kiến thức, kỹ năng ứng xử phù hợp. Đặc biệt là trong bối cảnh đường sá đô thị đông đúc, ùn tắc, khiến các vụ va chạm giao thông nhỏ có thể xảy ra mà nếu không có ứng xử phù hợp sẽ dễ dẫn đến tình trạng “chuyện bé xé ra to”, gây thiệt hại cho các bên và ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Các chiến dịch truyền thông cũng cần được đưa đến gần hơn với người dân, học sinh, sinh viên thông qua các cuộc thi, các tình huống trực quan, thực tế, khuyến khích mọi người luôn giữ thái độ lịch sự và bình tĩnh khi giải quyết sự cố, đi kèm với các chỉ dẫn về biện pháp ứng xử phù hợp.
Việc tăng cường lắp đặt camera giám sát tại các khu vực giao thông đông đúc cũng tạo ra sự giám sát liên tục, giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột và giúp xử lý kịp thời trường hợp kẹt xe, ùn tắc, hoặc truy tìm và xử lý các trường hợp vi phạm, đảm bảo an ninh trật tự.
Đại diện Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền pháp luật và văn hóa giao thông, giúp người dân hiểu rõ hơn về các quy định pháp lý và hậu quả của hành vi vi phạm giao thông, từ đó nâng cao ý thức của mỗi người.
CSGT khuyến cáo, trong trường hợp xảy ra va chạm giao thông, tránh tranh cãi hay đổ lỗi ngay lập tức. Thay vào đó, nên xác nhận tình trạng của các bên liên quan và cố gắng giữ thái độ hợp tác. Nếu sự việc nghiêm trọng hoặc có sự bất đồng không thể giải quyết, hãy gọi cho CSGT hoặc chính quyền sở tại can thiệp kịp thời.
Hiện nay, đường phố đã gắn nhiều camera giao thông, các nhà dân ven đường cũng có camera giám sát. CSGT khuyến khích người dân chủ động tố giác các hành vi vi phạm giao thông hoặc cung cấp chứng cứ nếu họ chứng kiến các vụ việc, giúp cơ quan chức năng có đủ thông tin để xử lý vi phạm và giữ gìn trật tự an toàn giao thông.
Từ những vụ việc dùng “nắm đấm” để xử lý va chạm giao thông dẫn đến các sự việc đáng tiếc đã nêu trên, mỗi người dân nên xem như một bài học để rút kinh nghiệm cho bản thân và cùng nhau tạo nên môi trường giao thông an toàn.
Huyền Sâm