Cần biện pháp mạnh xử lý vi phạm trật tự đô thị dịp cuối năm

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi mua bán, tổ chức kinh doanh, dừng đỗ phương tiện sai quy định lại diễn ra trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội. Việc này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.

Căn bệnh mãn tính

Thời gian qua, nhằm đảm bảo trật tự đô thị trên địa bàn, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch, đợt ra quân xử lý những trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, gây cản trở mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị… Nhờ đó, bộ mặt đô thị đã có những chuyển biến tích cực.

Can bien phap manh xu ly vi pham trat tu do thi dip cuoi nam - Hinh anh 1
Lấn chiếm vỉa hè phố Chùa Bộc làm nơi kinh doanh.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, vào dịp cuối năm, tại một số khu vực, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh lại đang có chiều hướng tái diễn. Đơn cử, tại một số tuyến đường như: Chùa Bộc, Giải Phóng, Vũ Tông Phan, Giáp Nhất… tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh lại diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.

Trao đổi với phóng viên, chị Phạm Ngọc Mai (phường Trung Liệt, quận Đống Đa) cho biết, phố Chùa Bộc là một trong những tuyến phố điểm cấm buôn bán kinh doanh trên vỉa hè. Nhưng thời gian gần đây, đặc biệt là ban đêm, tình trạng các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè làm nơi dừng đỗ phương tiện, bày hàng hoá tổ chức kinh doanh sai quy định diễn ra phổ biến gây cản trở mất an toàn giao thông.

Tương tự, trên phố Vũ Tông Phan, Giáp Nhất…. công tác quản lý trật tự đô thị có nguy cơ trở thành “điểm nóng” sau một thời gian dài ổn định. Tại đây, không chỉ lấn chiếm vỉa hè bên phía nhà dân, nhiều hộ kinh doanh đã ngang nhiên chiếm dụng lòng đường, vỉa hè phía giáp bờ sông Tô Lịch để tổ chức kinh doanh, dừng đỗ phương tiện sai quy định… khiến các tuyến đường này vốn đã nhỏ càng trở bên bức bối, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện những điểm ùn tắc không đáng có. 

Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo một số địa bàn cho biết đơn vị đã nắm được những vi phạm trên và vẫn thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Tuy nhiên, tại một số thời điểm khi các lực lượng chức năng vắng mặt, lại xảy ra việc một số trường hợp cố tình vi phạm. Tiếp thu phản ánh, các lực lượng chức năng sẽ tổ chức ra quân, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm.

Can bien phap manh xu ly vi pham trat tu do thi dip cuoi nam - Hinh anh 2
Lực lượng chức năng phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy tổ chức xử lý vi phạm trật tự đô thị dọc bờ sông Tô Lịch.

Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, cùng với việc kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trât tự đô thị… tại một số địa bàn, các lực lượng chức năng đã và đang tập trung hướng dẫn hộ kinh doanh sắp xếp kinh doanh trong khuôn viên cửa hàng, cửa hiệu, xếp phương tiện trước cửa hàng theo đúng quy định, thống nhất, đảm bảo mỹ quan đô thị; đồng thời xây dựng phương án tổ chức sắp xếp chợ hoa, chợ Tết… vừa đảm bảo nhu cầu mua bán của người dân, hạn chế thấp nhất những lệ luỵ đối với công tác quản lý trật tự đô thị, tình hình giao thông trong khu vực.

Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào việc tuyên truyền nhằm xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè làm nơi kinh doanh là chưa đủ. Bởi nó như “căn bệnh mãn tính”, do đó, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, thì công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cần được tiến hành thường xuyên hơn; quy trách nhiệm rõ hơn cho từng đơn vị, cá nhân nếu để phát sinh “điểm nóng”.

Từ đầu năm 2014 đến nay, thành phố Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch giành lại vỉa hè... Do đó, nếu không có những biện pháp mạnh, không có biện pháp đúng và trúng ngăn chặn “trên nóng dưới lạnh” thì mục tiêu giành lại vỉa hè cho người đi bộ tại Hà Nội sẽ khó đạt được.

Vân Nhi

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h