Hà Nội có thể chỉ còn 2 trung tâm đăng kiểm

NGỌC TRANG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Theo dự báo đến tháng 10/2024, sau khi các bản án của đăng kiểm viên có hiệu lực, Hà Nội sẽ chỉ còn 2 trung tâm đăng kiểm.

Tại Hội nghị bàn các giải pháp hỗ trợ địa phương trong trường hợp xảy ra ùn tắc đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam dự báo, tại Hà Nội hiện có 29 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động với hơn 2.000 đăng kiểm viên (bao gồm hơn 900 đăng kiểm viên đã bị khởi tố, tương đương 44,7%).

Tính riêng tại Hà Nội, có 223 đăng kiểm viên đang làm việc với 119 đăng kiểm viên đã bị khởi tố (chiếm 53,3%).

Nếu cơ quan tố tụng đồng loạt xét xử và kết án các đăng kiểm viên, đến tháng 10/2024, Hà Nội có thể chỉ còn 2/29 trung tâm đăng kiểm hoạt động.

Tại TP Hồ Chí Minh, hiện có 18 trung tâm đăng kiểm nhưng có thể cũng chỉ còn 2 trung tâm hoạt động.

Còn tính trên toàn quốc, với 276 trung tâm đăng kiểm hoạt động có thể chỉ còn 185 trung tâm hoạt động.

Do đó, nếu không tính toán các biện pháp, nguy cơ ùn tắc đăng kiểm sẽ rất cao. 

Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất giải pháp sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL, trong đó có Nghị định số 139/NĐ-CP; Nghị định số 30/NĐ-CP Thông tư 16/2021-BGTVT Các văn bản QPPL khác.

Bộ GTVT đang trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo hướng: Tạm thời không thu hồi chứng chỉ với đăng kiểm viên bị kết án treo hoặc cải tạo không giam giữ mà không cấm hành nghề; không tạm đình chỉ trong thời gian 3 tháng đối với các đơn vị đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ.

Như vậy, sẽ ngăn tình trạng các trung tâm đăng kiểm phải tạm dừng hoạt động đồng loạt trong 3 tháng cũng như tạo điều kiện cho các đăng kiểm viên được hưởng án treo có cơ hội hỗ trợ các trung tâm đăng kiểm, tiếp tục tham gia kiểm định xe.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đề xuất các giải pháp về công tác quản lý, tổ chức hoạt động các trung tâm đăng kiểm. Trong đó, cơ quan quản lý cần tăng cường công tác theo dõi tình hình, chủ động xử lý, phối hợp giữa các Cơ quan liên quan. Đồng thời tăng cường công tác tập huấn, đánh giá, bổ sung nguồn lực. Kết hợp tuyên truyền người dân, doanh nghiệp chủ động đăng kiểm trước thời hạn, chuẩn bị phương tiện, hồ sơ.

Đối với các trung tâm đăng kiểm cần đảm bảo tình trạng hoạt động của trang thiết bị kiểm định; chủ động sắp xếp, phân bổ nguồn nhân sự đăng kiểm viên hợp lý, khoa học.

Người dân, doanh nghiệp cũng chủ động bảo dưỡng xe, chuẩn bị hồ sơ, xử lý phạt nguội; đặt lịch hẹn qua ứng dụng trung tâm đăng kiểm.

Đồng thời, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phối hợp với Sở GTVT tại một số địa phương (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) trao đổi, làm việc với Cục CSGT (Bộ Công an) và Cục Xe - Máy (Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng) để chuẩn bị phương án tăng cường lực lượng trong tình huống xấu nhất để đảm bảo duy trì hệ thống kiểm định phục vụ nhu cầu kiểm định chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Tin liên quan