Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có kết quả phân tích 2 sự cố trật bánh đầu máy D19E-943 trong đoàn tàu H16 tại Km 752+250 khu gian Lăng Cô - Thừa Lưu và đầu máy D18E-603 tại Km 752+290 khu gian Thừa Lưu - Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) ngày 28/9.
Theo đó, nguyên nhân xảy ra 2 sự cố trật bánh đầu máy nói trên là do đơn vị thi công (Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên) thi công đường không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định; thiết kế siêu cao vượt quá tiêu chuẩn cơ sở.
Cụ thể, phụ kiện liên kết giữa ray cơ bản (ray P50) và ray chống trật bánh (P43 cũ sử dụng lại) không đúng, khe hở ray chống trật bánh lớn quá quy định và mặt đỉnh ray chống trật bánh so với mặt đỉnh ray cơ bản thấp quá quy định (ray chống trật bánh không có tác dụng), dẫn đến bánh xe vẫn leo lên ray gây trật bánh.
|
Đầu máy tàu H16 bị trật bánh trên đường sắt Bắc - Nam tại khu gian Lăng Cô - Thừa Lưu (tỉnh Thừa Thiên - Huế) rạng sáng 28/9. |
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên tổ chức phân tích, nghiêm túc xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan, báo cáo kết quả xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại cuộc họp kiểm tra an toàn giao thông đường sắt khu vực Thừa Lưu - Lăng Cô và việc nâng cao công tác đảm bảo an toàn chạy tàu qua các đoạn đường cong bán kính nhỏ, trái chiều liên tiếp.
Trước đó, trong hơn 2 tháng trở lại đây, đường sắt Bắc - Nam đoạn qua huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế liên tiếp xảy ra 6 vụ tàu hỏa gặp sự cố trật bánh, trong đó có 4 vụ bị trật bánh toa xe, riêng trong ngày 28/9 xảy ra 2 vụ đầu máy bị trật bánh.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, các đơn vị liên quan đã tổ chức đoàn công tác vào khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân để ngăn ngừa. Đoàn công tác kiểm tra, đánh giá kỹ mọi yếu tố từ đường, toa xe, thiết bị trên đường ray... để ngăn ngừa xảy ra trật bánh.