Xe máy, ô tô bị ngập nước, điện thoại chủ gara "cháy máy"

TUẤN DƯƠNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Trời mưa to trong sáng 28/9 khiến nhiều con đường, tuyến phố Hà Nội bị ngập nước. Xe máy, ô tô đi vào bị ngập ngang xe chết máy và hư hỏng nặng.

Xe may, o to bi ngap nuoc, dien thoai chu gara
 Chủ xe gara trong buổi sáng tiếp nhận hàng chục cuộc gọi cứu hộ xe.

Điện thoại luôn "nóng"

Trong ngày 27 - 28/9, trên địa bàn TP Hà Nội có mưa vừa và mưa to. Đầu giờ sáng 28/9, tại thành phố Hà Nội có mưa to. Đến 9 giờ cùng ngày, lượng mưa Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội đo được tại một số địa điểm là Hoàng Mai 100mm, Hà Đông 96mm, Thanh Xuân 75mm, Nam Từ Liêm 70mm, Cầu Giấy 68mm…

Do lượng mưa lớn, vượt qua năng lực tiêu nước của hệ thống ống cống dẫn đến tại một số khu vực có hiện tượng ngập, úng như Lê Lợi, Quyết Thắng, Quang Trung, Tô Hiệu (Hà Đông); Ngọc Hồi, Triều Khúc (Thanh Trì); Quan Nhân, Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Đỗ Đức Dục (Nam Từ Liêm), Hoa Bằng, Trần Cung (Cầu Giấy)… với độ sâu khoảng 20-30cm.

Do nước ngập nên một số phương tiện di chuyển khó khăn, nhiều người điều khiển xe máy, ô tô phải dừng lại do xe bị chết máy vì ngập nước. Mưa lớn khiến nhiều ô tô trong buổi sáng bị chết máy, tài xế phải gọi cứu hộ để đưa xe đi sửa chữa ngay.

Chỉ vì cố đi qua tuyến đường Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) mà chiếc ô tô của anh Trần Ngọc Sơn (quận Cầu Giấy) bị chết máy. May mắn là gara "ruột" ngay gần nên đã được cứu hộ sớm.

Xe may, o to bi ngap nuoc, dien thoai chu gara
Người dân dắt bộ do xe chết máy.

"Đưa xe vào gara được thợ kiểm tra thông báo rằng xe bị thủy kích. Trước đó, ngay khi xe chết máy, gara cũng cảnh báo tôi tuyệt đối không được khởi động lại mà cần đợi cứu hộ, nếu tôi cố gắng khởi động có thể sẽ còn hư hỏng nặng hơn" - anh Sơn cho hay.

Anh Lê Xuân Bách, chủ một gara trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ) cho biết, ngay từ 6 giờ sáng đã có hàng chục cuộc gọi đến, máy điện thoại để trong túi quần luôn "nóng ran" vì các chủ xe liên hệ để cứu hộ đưa xe ra khỏi vùng ngập nước, chết máy phải sửa chữa.

"Nhiều tuyến đường do mưa lớn gây ngập gây ùn tắc làm công tác cứu hộ rất khó khăn. Xe cứu hộ dù đã được điều đi song gặp tắc đường, di chuyển khó khăn. Nhiều trường hợp đến thời điểm 12 giờ trưa vẫn chưa thể đưa về gara" - anh Bách cho hay.


Cần làm gì khi xe chết máy?

Theo anh Nguyễn Văn Nguyên, giáo viên tại Trung tâm đào tạo để cấp GPLX – Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, thủy kích (ngập nước) là hiện tượng xe bị nước tràn vào buồng đốt (xi lanh) qua đường hút gió của động cơ làm xe chết máy đột ngột.

Trong trường hợp này, nếu người lái xe cố tình đề máy, nước sẽ bị hút sâu vào động cơ dẫn đến hỏng máy. Hậu quả của thủy kích thường rất nặng nề do hư hỏng nằm ở động cơ – trái tim của xe.

Xe may, o to bi ngap nuoc, dien thoai chu gara
Hàng loạt gara trong buổi sáng tiếp nhận nhiều xe máy, ô tô trong tình trạng chết máy.

"Chi phí sửa chữa xe trong trường hợp bị thủy kích thường rất lớn, chi phí lên đến hàng triệu, vài chục triệu đồng khi chỉ phải thay tay biên, nhiều có thể lên tới vài trăm triệu đồng nếu chẳng may phải thay cả cụm động cơ mới và toàn bộ hệ thống điện. Chi phí khắc phục sẽ tỷ lệ thuận với mức độ sang trọng và cao cấp của xe cấp bởi giá phụ tùng chính hãng rất đắt" - anh Nguyên cho hay.

Thông thường, để vệ sinh, làm sạch bu-gi, chi phí tốn khoảng từ 10.000- 20.000 đồng. Để thay bu-gi mới, với các loại xe phổ thông, chi phí dao động từ 60.000-100.000 đồng tuỳ hãng sản xuất. Với các lỗi nặng hơn, phải xúc rửa chế hoà khí, thay dầu, thay thế các bộ phận khác,... chi phí có thể tới vài trăm nghìn đồng đến tiền triệu.

Theo anh Bách, nếu xe bị tắt máy giữa vùng nước ngập. Nếu chưa thể nghĩ ra phải xử lý xe ô tô bị ngập nước như thế nào thì bạn cũng tuyệt đối không được khởi động lại động cơ.Việc khởi động lại có thể dẫn nước vào bên trong nhiều hơn khiến động cơ hư hỏng nặng, khó có thể khắc phục. Người lái nên chuyển cần số về vị trí N để có thể thuận tiện hơn khi đẩy xe, cẩu xe.

Rút chìa khóa xe, thực hiện mở nắp capo và tháo cọc của bình ắc quy để tránh bị rò rỉ điện gây nguy hiểm. Hãy nhờ người hỗ trợ đẩy xe lên vị trí cao nếu có thể để tránh xe bị ngâm quá lâu trong nước khiến công tác sửa chữa về sau sẽ phức tạp hơn.

"Cách xử lý tốt nhất chính là liên hệ với cứu hộ để đưa về xưởng sửa chữa. Tại xưởng sửa chữa, xe ô tô sẽ được kiểm tra và đánh giá thiệt hại sau ngập nước, sau đó đưa ra phương án giải quyết phù hợp nhất" - anh Bách cho hay.

Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết với lượng mưa như trên, trên đường phố sẽ xuất hiện điểm ngập, ứ đọng nước do vượt công suất tiêu thoát nước của hệ thống ống cống. Sau khi mưa ngớt khoảng 20-30 phút, nước tại các điểm ngập trên đường phố sẽ cơ bản rút hết nước, phương tiện đi lại thuận lợi.

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h