|
Từ năm 2009 đến nay, cầu Thăng Long đã được sửa chữa nhiều lần, tuy nhiên các hư hỏng trong phạm vi giàn thép vẫn chưa được khắc phục triệt để. Ảnh minh hoạ. |
Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về việc sửa chữa mặt đường ô tô trên cầu Thăng Long (Hà Nội).
Về tình trạng cầu Thăng Long, báo cáo nêu, sau một thời gian khai thác, phần mặt đường ô tô ở tầng trên cầu đã xuất hiện hư hỏng. Từ năm 2009 đến nay đã được sửa chữa nhiều lần, tuy nhiên các hư hỏng trong phạm vi giàn thép vẫn chưa được khắc phục triệt để (xuất hiện nhiều vết nứt, trượt, ổ gà, lượn sóng, ảnh hưởng đến việc lưu thông và mất an toàn giao thông).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Tổng cục Đường bộ (đơn vị đang trực tiếp quản lý phần mặt đường ô tô trên cầu Thăng Long) cho biết, hư hỏng bê tông nhựa trượt trên mặt bản thép, xô dồn, nứt ngang mặt cầu dạng parabol do dính bám giữa các lớp bê tông nhựa với bản mặt thép không đảm bảo yêu cầu.
Còn lớp mặt bê tông nhựa bị nứt tập trung trên thanh dọc giàn chủ và một số nứt tại khu vực sườn tăng cằng là do lưu lượng, tải trọng vượt so với thiết kế ban đầu và bản trực hướng không đủ khả năng chịu tải trọng khi khai thác hiện tại.
Bên cạnh đó, hiện nay dự án đường Vành đai III đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long đang được gấp rút thi công và dự kiến hoàn thành cuối năm 2020. Vì vậy, việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long để hoàn thành và khai thác đồng bộ với đường Vành đai III là hết sức cần thiết và cấp bách để nâng cao năng lực vận tải, an toàn giao thông, phát huy hiệu quả đầu tư cảu tuyến đường Vành đai III.
Trước tình hình nêu trên, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu phương án sửa chữa, khắc phục triệt để các hư hỏng trên mặt cầu. Theo ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế, do mặt cầu Thăng Long sử dụng đã lâu nên việc sửa chữa phải tiến hành không chỉ ở riêng lớp mặt xe chạy mà còn phải đào bỏ và thay thế các lớp kết cấu phía dưới sẽ làm thay đổi kết cấu hiện tại. Dự kiến kinh phí sửa chữa khoảng 180 tỷ đồng. Báo cáo của Bộ GTVT phân tích 2 phương án như sau:
Phương án sử dụng vốn đầu tư công: Đối với phương án này, hiện nay nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 không có danh mục bố trí cho việc sửa chữa mặt đường ô tô trên cầu Thăng Long. Tuy nhiên, để bổ sung danh mục này sẽ mất nhiều thời gian làm thủ tục (bổ sung danh mục, lập phê duyệt chủ trương đầu tư…) không đáp ứng được nhu cầu cấp bách phải sửa chữa ngay để khắc phục tình trạng hư hỏng mặt đường ô tô trên cầu Thăng Long và không đảm bảo khai thác đồng bộ với dự án đường Vành đai III dự kiến hoàn thành cuối năm 2020.
Phương án sử dụng vốn bảo trì đường bộ, Bộ GTVT cho biết, với nội dung sửa chữa được các chuyên gia đề xuất như trên sẽ khác với quy định của Nhà nước về công tác bảo trì (chỉ duy trì tình trạng kỹ thuật, không làm mới hoặc thay thế).
“Do đó, để đảm bảo thủ tục pháp lý, tránh phức tạp xảy ra khi thực hiện công tác hậu kiểm sau này và đáp ứng nhu cầu cấp bách phải sửa chữa ngay để khắc phục tình trạng hư hỏng mặt cầu Thăng Long, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương để tiến hành các công tác liên quan đến việc sửa chữa mặt đường ô tô cầu Thăng Long”, Bộ GTVT cho biết.
Về phía Bộ GTVT, Bộ sẽ yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm định tổng thể toàn bộ công trình cầu (gồm cả phần đường sắt ở tầng dứoi) làm cơ sở nghiên cứu các giải pháp phù hợp để thiết kế, thi công đảm bảo chất lượng công trình, đồng thời, tuân thủ các quy định về quản lý đối với việc sử dụng vốn Quỹ bảo trì Đường bộ.
Cầu Thăng Long do Trung Quốc và Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng từ năm 1974, hoàn thành năm 1985. Cầu chính vượt sông dài 1.680m. Cầu gồm 2 tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ. Tầng dứoi có chiều rộng 17m dành cho đường sắt và xe thô sơ lưu thông (hiện do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý). Tầng trên có chiều rộng 20,5m dành cho 4 làn xe ô tô lưu thông và hành lang bộ hành hai bên (hiện do Tổng cục Đường bộ quản lý).
Cây cầu này đã qua 2 lần đại tu, sửa chữa vào năm 2009 và năm 2013. Từ năm 2016 đến nay, Tổng cục Đường bộ thường xuyên duy tu, vá cục bộ các vị trí hư hỏng để đảm bảo an toàn giao thông với kinh phí hàng năm từ 1,5-2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tại các hư hỏng mặt đường cầu vẫn ngày càng tăng làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác và an toàn giao thông.