Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội giải trình nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư 2 dự án trọng điểm

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Tại Phiên họp giải trình về tình hình, kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công của TP Hà Nội do Thường trực HĐND TP tổ chức sáng nay (31/8), Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh đã giải trình nhiều vấn đề do đại biểu đặt ra về chậm giải ngân một số dự án đường sắt, trong đó đáng chú ý có nhiều khó khăn vướng mắc khách quan.

Ông Nguyễn Cao Minh cho biết: Ban được giao quản lý tổ chức thực hiện, làm chủ đầu tư các dự án đường sắt đô thị đều là các dự án trọng điểm quốc gia có tổng mức đầu tư tới hơn 1 tỷ USD, với thời gian thực hiện trải dài, rất nhiều cơ chế chính sách thay đổi. Riêng năm 2020, Ban được giao tổng kế hoạch vốn 5.300 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn kéo dài của năm 2019 là 600 tỷ đồng (cơ cấu gồm vốn ODA cấp phát của T.Ư, ODA vay lại của TP, vốn đối ứng của UBND TP phục vụ GPMB…). Tổng kế hoạch vốn được giao chủ yếu cho 2 dự án tổ chức thực hiện và 2 dự án hỗ trợ.

Trong đó, dự án tổ chức thực hiện là dự án tuyến 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, được giao vốn kế hoạch năm 2020 khoảng 1.200 tỷ đồng, là dự án đang phải tổ chức thực hiện điều chỉnh do trong quá trình triển khai tổ chức có tổng mức đầu tư dự án tăng lên, xuất hiện yếu tố là dự án quan trọng Quốc gia trong bối cảnh Luật Đầu tư công ra đời.

Do vậy đây là vướng mắc kéo dài suốt nhiều năm nay: Thứ nhất do trong Luật Đầu tư công không có quy định cụ thể quy trình đối với dự án chuyển tiếp mà trong quá trình triển khai xuất hiện yếu tố dự án đầu tư công dẫn đến rất nhiều tranh luận về thẩm quyền phê duyệt nội dung điều chỉnh dự án là ai cũng như quy trình điều chỉnh. Mãi đến khi Luật Đầu tư công được điều chỉnh trong Kỳ họp Quốc hội vừa rồi mới rõ ràng các nội dung này.

Hiện với dự án tuyến 2 trong quá trình điều chỉnh dự án xuất hiện yếu tố dự án quan trọng Quốc gia nên vẫn được coi là dự án nhóm A, chủ trương đầu tư vẫn thuộc Thủ tướng Chính phủ, thẩm quyền phê duyệt vẫn thuộc UBND TP Hà Nội, tuy nhiên vẫn chưa có hướng dẫn của Bộ Kế hoạch & Đầu tư về quy định đối với dự án khi xuất hiện yếu tố này thì cần báo cáo Quốc hội vào kỳ họp cuối năm - quy trình này chưa được quy định pháp luật nào làm rõ, tiếp tục là vướng mắc tồn tại mà trong văn bản mới nhất Bộ Tài chính gửi góp ý với UBND TP có nêu.

“Trước những vướng mắc này, ngay từ đầu năm, Ban đã cùng Sở KH&ĐT báo cáo UBND TP rằng số vốn 1.150 tỷ đồng mà Trung ương cấp phát cho dự án này chắc chắn không thể giải ngân được trong năm 2020. Còn lại 50 tỷ đồng phục vụ công tác đối ứng GPMB, Ban đã có kế hoạch cụ thể với các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ đảm bảo sẽ giải ngân hết số vốn 50 tỷ đồng trong tổng số vốn được giao” - Giám đốc khẳng định.

Với dự án tuyến đường sắt đô thị thứ 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang tổ chức thi công, được giao tổng số vốn 4.030 tỷ đồng, trong đó 560 tỷ kéo dài từ 2019. Mặc dù được giao muộn (Chính phủ giao vốn tháng 4/2020), nhưng tổ chức thực hiện đến nay đã giải ngân được 43% trong tổng vốn được giao, trong đó vốn kéo dài 2019 đã giải ngân 88%. Năm 2020, dự án được tổ chức thực hiện đến nay đạt tỷ lệ thấp so với giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn, trước hết do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Trong đó với phần chế tạo thiết bị do toàn bộ thiết bị chủ yếu xuất xứ từ châu Âu nên bị ảnh hưởng do giãn cách xã hội tại Pháp, ảnh hưởng tiến độ chung. Cùng đó, phần huy động các chuyên gia nước ngoài cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, ngay từ đầu năm, Ban đã rà soát toàn bộ về nhà thầu, tư vấn, xây dựng kế hoạch khắc phục; xác định đến cuối năm 2020, toàn bộ giải ngân của dự án sẽ đạt 3.900 tỷ đồng trên tổng số vốn 4.030 tỷ đồng được giao năm 2020, đạt khoảng 97%. Với 140 tỷ đồng khác liên quan nguyên nhân do các hàng hóa thiết bị của dự án về chậm hơn dự kiến, Ban đang phối hợp nhà thầu tìm cách khắc phục. “Về trách nhiệm, lãnh đạo và cán bộ viên chức Ban xác định nghiêm túc trách nhiệm trước tiên thuộc về Chủ đầu tư khi để chậm trễ trong triển khai tổ chức thực hiện, đồng thời do trình độ, năng lực, kinh nghiệm của cán bộ, tinh thần trách nhiệm có lúc có nơi chưa đáp ứng nhất là với những dự án rất lớn, phức tạp như dự án đường sắt đô thị” - Giám đốc Ban thừa nhận.

Trong 4 tháng còn lại năm nay, Ban sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP đôn đốc quyết liệt nhà thầu tư vấn, tăng cường đảm bảo biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình tổ chức thực hiện thi công dự án, nhất là với người nước ngoài về khai báo dịch tễ với sự phối hợp chặt chẽ của địa phương. Đồng thời, Ban tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện dự án theo kế hoạch.

“Hiện chỉ còn tỷ lệ rất thấp vướng mắc liên quan đến GPMB, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp các quận giải quyết nốt. Ban cũng sẽ cùng các sở KH&ĐT và Tài chính báo cáo Bộ K&ĐT, Tài chính giải quyết tồn tại liên quan tạm ứng gói thầu thứ 9 liên quan thủ tục giải ngân vốn vay bổ sung từ Chính phủ Pháp. Hiện thủ tục ở các bộ này được giải quyết rất chậm, dù đã 7 tháng từ khi ký hợp đồng, trong mọi cuộc họp văn bản UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ đã nêu rất nhiều, và trong các cuộc họp Thủ tướng Chính phủ làm việc với UBND TP và các bộ đều đưa nội dung này vào. Tuy nhiên đến nay còn đang xử lý một số thủ tục liên quan các bộ Tư pháp, Tài chính về hợp đồng vay lại…

“Cùng với nỗ lực kiện toàn nâng cao trình độ nhất là trách nhiệm thực thi công vụ của người đứng đầu cũng như của các cán bộ công chức trong quá trình triển khai , chúng tôi cam kết nỗ lực cao nhất để hoàn thành các phần vốn đầu tư công đã giao cho dự án Nhổn - ga Hà Nội đạt 3.900 tỷ đồng trên tổng số vốn 4.030 tỷ đồng được giao, đạt khoảng 97%”- ông Minh khẳng định. Đồng thời, về phần vốn của dự án Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, ông kiến nghị UBND TP báo cáo Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều hòa phần vốn 1.150 tỷ đồng không triển khai được do điều chỉnh dự án. Cùng đó, kiến nghị UBND TP báo cáo Thủ tướng và các bộ giải quyết dứt điểm việc điều chỉnh dự án này, liên quan phía các cơ quan Trung ướng, hướng dẫn thực hiện các nghị định… 

Linh Chi

Tin liên quan