Thiếu tá Đào Ngọc Trung – Trưởng Công an phường Trung Liệt cho biết, trước tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè phố Nguyễn Văn Tuyết, hàng ngày, Công an phường vẫn tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế&Đô thị, Chủ tịch UBND phường Trung Liệt Nguyễn Thao Hùng cho biết, việc sơn kẻ vạch là do Phòng Quản lý đô thị tổ chức thực hiện. Khi Phòng Quản lý đô thị hoàn thành việc sơn kẻ vạch, UBND phường cũng đã nhận thấy những bất cập nhưng do đây là loại sơn chuyên dùng cho việc sơn kẻ đường nên phải mất thời gian rất lâu mới mờ đi. “Hiện tại, các lực lượng chức năng phường vẫn tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng để xử lý những bất cập trong việc tổ chức sơn kẻ vạch, sắp xếp phương tiện phải chờ khi vạch sơn cũ… mờ đi” – ông Nguyễn Thao Hùng cho hay.
Thực tế, hiện tại trên phố Nguyễn Văn Tuyết, việc tổ chức, sắp xếp phương tiện bộc lộ hàng loạt bất cập. Cụ thể, tại nhiều khu vực, vỉa hè không đủ tiêu chuẩn để sắp xếp phương tiện (dành tối thiểu 1,5m dành cho người đi bộ) nhưng vẫn được các lực lượng chức tổ chức thực hiện, gây khó khăn cho người đi bộ. Tại một số khu vực vỉa hè rộng, đảm bảo diện tích nói trên, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì phần diện tích dành cho người đi bộ nhiều đoạn cũng chỉ được bố trí khoảng 60cm, trong khi đó, phần diện tích dành cho việc sắp xếp phương tiện (hiện đã bị chiếm dụng làm nơi bày bàn, ghế phục vụ mục đích kinh doanh) lại rộng đến chục mét vuông… gây bức xúc trong dư luận.
Theo TS.KTS Lê Thị Bích Thuận - Phó Tổng Thư ký, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, vỉa hè là hệ thống hành lang không gian giao thông – văn hóa – kinh tế xanh của đô thị. Đó cũng là hành lang văn hóa đặc trưng của TP, không gian tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, phản chiếu “sức sống” của đô thị Hà Nội trong việc hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo lập sinh thái đô thị. Thế nhưng, việc tổ chức sắp xếp phương tiện cần phải đảm bảo việc đi lại của người dân, không thể đánh đổi quyền, lợi ích, an toàn của người đi bộ lấy phát triển kinh tế.