Có mặt tại bến xe Miền Đông mới trên địa bàn quận 9, TP.HCM, phóng viên ghi nhận khu vực điều hành, nhà ga, phòng chờ, khu vực đón trả khách, bến bãi cho các phương tiện dừng đỗ, hệ thống chiếu sáng và hạ tầng kỹ thuật kết nối vào bến xe cơ bản đã hoàn thành.
Tuy nhiên vẫn chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy dự án này sắp đi vào hoạt động vì bên trong nhà ga chỉ có vài nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ trông coi, chưa có bất kỳ hàng quán dịch vụ nào hoạt động để hỗ trợ việc đưa đón hành khách.
|
Bến xe Miền Đông mới được xây dựng tại Q.9, TP.HCM. |
Trước tình trạng quá tải của bến xe miền Đông cũ, năm 2017 lãnh đạo TPHCM đã tiến hành khởi công xây dựng bến xe Miền Đông mới với tổng mức đầu tư khoảng 4000 tỷ đồng đặt tại quận 9 và một phần thị xã Dĩ An tỉnh Bình Dương.
Bến xe miền Đông mới được thiết kế có công suất phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm, đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến; ngày cao điểm lễ/tết lên đến 52.000 hành khách với hơn 1.800 lượt xe xuất bến.
Dự án ban đầu dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên Đán 2018 nhưng vì nhiều lý do phải dời sang quý 1/2019, rồi tiếp tục dời đến ngày 15/8/2019 và đến nay vẫn chưa biết thời điểm chính thức hoạt động.
Theo bà Tăng Thị Thu Lý - Phó tổng giám đốc Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH một thành viên (Samco) chủ đầu tư dự án Bến xe miền Đông mới thì nguyên nhân khiến dự án chưa thể đi vào hoạt động là những vướng trong thủ tục pháp lý như biên bản nghiệm thu công trình của Bộ Xây Dựng hay hợp đồng cho thuê đất của thành phố. Đến thời điểm này, hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản đã hoàn thành và có thể đưa vào sử dụng giai đoạn 1 với 29 tuyến xe cố định có cự ly từ 1.100 km trở lên (tức từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía bắc).
Bà Lý cho biết thêm: "Chúng tôi vẫn đang chờ UBND thành phố chỉ đạo các ban ngành liên quan cho chúng tôi được ký hợp đồng thuê đất. Vì chưa có hợp đồng thuê đất nên chúng tôi chưa có chức năng cho thuê các dịch vụ tại bến xe mới. Dù chúng tôi đã xây dựng tiêu chí và ra được quy chế lựa chọn đơn vị quản lý vận hành bến xe mới, đã báo cáo rồi nhưng TP vẫn chưa có ý kiến. Chúng tôi phải cân nhắc để chia từng giai đoạn ra, chứ hiện tại với những con đường như thế thì chỉ được một số tuyến thôi".
Ông Võ Khánh Hưng - Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết đơn vị đang phối hợp tích cực với Samco và các địa phương nhằm tháo gỡ vướng mắc để sớm đưa bến xe Miền Đông mới vào hoạt động, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm.
"Nói là nói vậy nhưng thực ra vẫn còn nhiều việc phải làm. Chúng tôi đã thấy trong bến thế nào, ngoài bến ra sao, đường kết nối xung quanh ra sao…có cái thì Samco làm, có cái thì ngành giao thông làm, có cái thì quận 9 làm. Cũng dự báo trước tình hình an ninh trật tự ở bến xe mới và cả ở bến xe Miền Đông cũ nữa và cả hoạt động trung chuyển ở bến xe Miền Đông cũ nữa".
|
Nhà ga Bến xe miền Đông mới được xây dựng gồm 2 tầng hầm và 4 tầng nổi đã hoàn thành. |
Theo một lãnh đạo Công ty cổ phần vận tải tốc hành Mai Linh thì khoảng cách giữa 2 bến xe cũ và mới khoảng 14km nhưng lại thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông khiến cho hành khách mất nhiều thời gian hơn. Vị này phân tích thêm: "Khách sẽ thiệt hại thêm ít nhất là 2,5 giờ để di chuyển ra bến xe mới. Khách hàng nếu như trước đây chỉ mất khoảng 30 phút nay phải mất khoảng 3 giờ đồng hồ mới ra được bến xe, nhiều khả năng họ sẽ không sử dụng dịch vụ của chúng tôi nữa mà sẽ vào các đại lý núp bóng trong các bãi xe chui rúc sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Chúng tôi kiến nghị là đi hết một lần thì người dân sẽ phải đi theo toàn bộ, nó sẽ rất khác với việc đi một góc hay một phần".
Ở 1 khía cạnh khác, ông Văn Công Điểm - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang cho rằng tình trạng xe dù bến cóc sẽ trực tiếp đe dọa đến tương lai của Bến xe miền Đông mới cũng như các doanh nghiệp vận tải hoạt động tại bến xe này trong thời gian tới.
"Lãnh đạo bộ đã khẳng định nghị định 86, thông tư 63 và các quy định, văn bản pháp luật là đủ cơ sở để xử lý, lãnh đạo TP cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng mà tình trạng thực thi và kiểm tra giám sát thực thi công vụ của TPHCM là chưa tốt dẫn đến tình trạng xe dù bến cóc càng ngày càng nhiều. Sắp tới, bến xe Miền Đông mới khi dời về Suối Tiên thì xe dù bến cóc sẽ tràn vô nội thành sẽ biến bến xe Miền Đông thành công trình đầu tư lãng phí".
Có thể nói, với hàng loạt những bất cập còn tồn tại thì khó có thể nói chính xác được thời điểm chính xác nào để bến xe Miền Đông mới đi vào hoạt động. Đây thực sự là một bài toán khó bởi lẽ trong khi thành phố đang muốn di dời bến xe Miền Đông cũ ra khỏi nội thành trả để ổn định hoạt động của bến xe thì với những gì tồn tại ở Bến xe Miền Đông mới lúc này thì không khác gì một nghịch lý và không biết phải chờ đến bao giờ.
Đừng để Bến xe miền Đông mới rơi vào trầm ê (Bình luận của Nhà báo Bùi Trọng Điển)
Không khó để chỉ ra những bất cập khiến cho Bến xe miền Đông mới chưa thể đi vào hoạt động. Điều cần thiết nhất lúc này là TP.HCM cùng các ban ngành liên quan phải tích cực hơn nữa để tháo gỡ những khó khăn để đưa dự án vào vận hành, bởi lẽ chậm ngày nào thành phố sẽ chịu thiệt hại ngày đó.
|
TPHCM cùng các ban ngành liên quan phải tích cực hơn nữa để tháo gỡ những khó khăn để đưa dự án vào vận hành. |
Việc xây dựng bến xe miền Đông mới ở các quận ven ngoại thành nhằm giải tỏa cho bến xe cũ đang xuống cấp và là nguyên nhân gây kẹt xe trầm trọng ở một số tuyến đường nội là một kế hoạch tốt của TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên sau nhiều lần lỗi hẹn, bến xe miền Đông mới vẫn chưa biết khi nào chính thức được đưa vào sử dụng lại thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về tính dự báo, dự đoán và triển khai thực hiện cho các dự án trọng điểm của TP Hồ Chí Minh.
Thứ nhất, về cơ chế sử dụng đất mà UBND TP đang giao cho Sở Tài nguyên môi trường, Sở Tài chính tiến hành thẩm định thống nhất về giá cho thuê đối với Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco)- đơn vị được giao là chủ đầu tư cho thấy, ngay khi triển khai xây dựng dự án, vấn đề này đã không được tính đến nên khi vướng mắc nảy sinh mới tháo gỡ sẽ rất lâu.
Thứ hai, việc phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Xây dựng trong việc chậm trễ nghiệm thu, đánh giá chất lượng, chấp thuận để công trình sớm được đưa vào sử dụng cũng thể hiện sự thiếu sâu sát với các vấn đề của địa phương.
Đặc biệt, tồn tại nổi lên hiện nay là nhà ga, sân bãi, các tiện ích dịch vụ của bến xe cơ bản đã xong nhưng tính kết nối liên thông với các tuyến đường, hầm chui trong khu vực lại chưa được làm, rất dễ biến bến xe mới trở thành ”ốc đảo” hoặc không an toàn khi ra vào bến phải lưu thông trên các đoạn đường đông đúc, nguy hiểm với đủ các loại hình vận tải khác qua lại Xa lộ Hà Nội.
Mặc dù Sở Giao thông Vận tải đã cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhưng việc phải phối hợp với chính quyền quận 9 và qua các bước đầu tư triển khai sẽ còn mất nhiều thời gian.
Đó là chưa kể, vướng mắc về mặt pháp lý khi Samco nếu tiến hành cho đấu thầu khai thác sẽ không được phép giao cho công ty con của mình là Bến xe miền Đông cũ khi công ty này chưa tiến hành giải thể mà phải có pháp nhân mới.
Riêng vấn đề về mức giá dịch vụ xe ra vào bến xe mới cũng vẫn chưa được Sở Tài chính và Sở GTVT thành phố có ý kiến sẽ rất khó cho đơn vị quản lý có thể xúc tiến khai thác, vận hành.
Mặt khác, việc nhiều chủ xe lên tiếng về việc di dời về bến xe mới hiệu quả kinh doanh khai thác sẽ giảm; vấn nạn bến cóc xe dù đã tồn tại và song hành lại có cơ hội rộng cửa lộng hành, khi thu hút thêm khách vì tiện lợi, lại ngay các quận trung tâm thay vì phải ra tận quận ngoại thành ở bến xe mới.
Rõ ràng với các nguyên nhân kể trên nếu không được giải quyết ngay, kịp thời thì việc đưa bến xe miền Đông mới của TP Hồ Chí Minh vào sử dụng sẽ tiếp tục bị trầm ê, dậm chân tại chỗ; không chỉ tiếp tục tạo nên các điểm ùn tắc giao thông nội đô mà còn có nguy cơ lãng phí vì đầu tư không đồng bộ.
Mới đây UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành và chủ đầu tư là Tổng Công ty Samco phối hợp để đẩy nhanh tiến độ đưa bến xe mới miền Đông vào hoạt động. Vấn đề lúc này là sự vào cuộc thực chất của các sở, ngành của thành phố trong việc giải quyết các nguyên nhân đã nêu; trong đó nhất là trách nhiệm của từng đơn vị, bộ phận phải được định rõ và có thời gian hạn định hoàn thành.
Nếu không sẽ bị phê bình, kiểm điểm và xử lý. Chỉ khi quyết tâm như vậy mới mong bến xe mới đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả sau 3 lần trì hoãn.