|
Gần 8 giờ sáng nhưng phòng vé của Bến xe Bắc Ninh vắng khách, nhân viên bến xe cũng chưa xuất hiện |
Vừa khai sinh đã… “chết yểu”
Ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, tại Bến xe Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) lượng xe vắng vẻ, lác đác vài bóng xe khách đậu, đỗ. Trong khuôn viên rộng hàng nghìn mét vuông, phòng vé, nhà ga chờ cũng lâm cảnh “chợ chiều”. Ông Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Bến xe Hà Tĩnh cho biết: “Năm 2014, chúng tôi bỏ vốn đầu tư xây dựng Bến xe Hà Tĩnh theo lời kêu gọi của tỉnh. Dự án có tổng mức đầu tư trên 110 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 75 tỷ đồng.
Bến có công suất phục vụ lên tới 800 lượt xe/ngày đêm; có các bãi đỗ xe quốc tế, liên tỉnh, nội tỉnh và các công trình phụ trợ, đạt tiêu chuẩn bến xe loại I theo quy định của Bộ GTVT. Hiện tại, lưu lượng xe ra, vào bến mới đạt khoảng 100 lượt/ngày đêm, đạt 12,5% công suất. Qua 5 năm hoạt động, số tiền thu được mới đủ trả lương công nhân, lãi vay... chứ chưa có lãi chia cho các cổ đông.
Tương tự, Bến xe miền Trung (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, xây dựng trên diện tích hàng chục nghìn mét vuông và nằm sát QL1 đoạn tuyến tránh thành phố. Tuy nhiên, trái ngược với quy mô của một bến xe khách loại I là sự đìu hiu, vắng vẻ đến lạ thường. Sau hai năm đi vào hoạt động, bến xe này luôn trong tình cảnh “vắng như chùa Bà Đanh”. Quy mô có thể tiếp nhận trên 1.000 xe/ngày nhưng hiện nay mỗi ngày Bến xe miền Trung chỉ đón chưa đến 100 lượt xe, chưa đạt 10% thiết kế.
4 tháng đầu hoạt động, bến xe này duy trì đội ngũ khoảng gần 20 cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên, do chịu khoản lỗ lên tới 1,5 tỷ đồng/tháng, đến nay Bến chỉ giữ lại một vài người gồm: Điều độ, nhân viên phòng vé, bảo vệ, phục vụ việc vận hành bến, làm thủ tục cho một số xe đang hoạt động.
Tương tự, Bến xe Trung tâm TP. Thái Nguyên có tổng mức đầu tư 60,558 tỷ đồng, tổng diện tích 43.411,73m2, 68 vị trí đón khách, 29 vị trí trả khách; diện tích bãi đỗ xe chờ vào vị trí đón, trả khách là 5.051,71m2; diện tích bãi đỗ xe dành cho các phương tiện khác là 2.253,7m2; diện tích phòng chờ cho hành khách gần 1.000m2 với tối thiểu 444 chỗ ngồi. Công suất bến đáp ứng nhu cầu 1.632 lượt/ngày đêm. Hoạt động từ cuối năm 2016 nhưng doanh nghiệp đang phải cầm cự lay lắt vì xe không chịu vào bến.
Có mặt tại Bến xe Bắc Ninh, chúng tôi khá bất ngờ khi chứng kiến cảnh tượng cô quạnh. Các quầy bán vé trong nhà điều hành rộng rãi nhưng không một bóng người đến giao dịch. Phía bên ngoài bãi đỗ xe rộng lớn nhưng chỉ có vài chục đầu xe khách liên tỉnh, nội tỉnh nằm chờ trong im lặng.
Phải đợi khoảng 15 phút, chúng tôi mới thấy một nữ nhân viên phòng vé xuất hiện. Chị cho biết công việc chính của mình là đóng lệnh cho xe buýt xuất bến còn hành khách muốn đi các tỉnh thì tự tìm nhà xe chứ trong bến không bán vé (?).
Khi hỏi giờ đi của xe khách tuyến Bắc Ninh - Thanh Hóa, người phụ nữ này cho biết: “Buổi sáng có duy nhất một chuyến nhưng đã xuất phát rồi”.Thấy chúng tôi đứng xem danh sách và lộ trình của cả chục nhà xe tuyến Bắc Ninh - Thanh Hóa ở bảng tin bến xe, một người xe ôm đi tới mở lời: “Các xe khách tuyến Thanh Hóa, Nghệ An ít vào bến lắm, vì có khách đâu. Giờ chú đi xe buýt hoặc xe ôm ra gần khu công nghiệp cách đây gần 20km thì đầy xe, chục phút là có một chuyến về miền Trung”.
Quan sát thêm 30 phút, chúng tôi thấy lác đác một số xe khách liên tỉnh xuất bến. Dù chiếc xe chạy chậm chạp rời khỏi bến nhưng số lượng khách trên xe chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một nhân viên bảo vệ bến xe còn cho biết: “Nhiều xe khách thậm chí phải xuất bến mà không có hành khách nào”.
Trái ngược với cảnh đìu hiu, “chợ chiều” ở bến xe khách tỉnh Bắc Ninh, tại khu vực Khu Công nghiệp Yên Phong và Khu Công nghiệp Quế Võ luôn tấp nập xe khách ra, vào. Theo ghi nhận quanh khu vực Khu Công nghiệp Yên Phong 1, từ lâu ở đây đã xuất hiện một “bến cóc” dành cho những xe khách chạy tuyến Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Thanh Hóa, Hà Nội - Bắc Giang… “Mỗi ngày, cả trăm lượt khách đến, đi lại và ký gửi hàng hóa tại đây, cùng với đó là hàng trăm lượt xe khách lưu thông qua khu vực này dừng, đỗ chờ bắt khách. Khu vực này giờ khác gì bến xe chính đâu”, bà Huệ - chủ hàng nước ở cổng khu công nghiệp cho biết.
|
Tại Bến xe Trung tâm TP. Thái Nguyên, nhiều phương tiện sau khi xuất bến chỉ có khoảng từ 3 - 5 hành khách, đây được xem là nguyên nhân khiến nhiều nhà xe không còn mặn mà vào bến |
Bến xe “Made in Thủ đô” cũng “thoi thóp”
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Toàn - Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội - đơn vị hiện đang quản lý nhiều bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội như Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm cho biết, từ khi xuất hiện các loại hình xe hợp đồng, công nghệ đưa đón khách tận nơi, hoạt động ở bến xe cũng giảm đáng kể. Cụ thể, trước đây số chuyến lượt của các doanh nghiệp thường đạt 100%, trừ trường hợp xe hỏng hóc mới không vào bến, còn giờ nhà xe họ nêu lý do khách ít hơn hay xe hỏng nên họ giảm số chuyến, lượt xe ở bến.
“Khi nhà xe giảm số chuyến, lượng hành khách sụt giảm, bến cũng bị ảnh hưởng”, ông Toàn nói và cho biết, trước đây mỗi xe xuất bến đạt 20 khách nhưng gần đây các loại hình xe hợp đồng nở rộ, lượng khách còn khoảng 6 khách, nếu tiếp tục giảm còn 3 khách/chuyến chắc chắn doanh nghiệp sẽ bỏ bến để hoạt động bên ngoài, lúc đó bến xe buộc phải đóng cửa.
Cũng theo ông Toàn, Công ty đang yêu cầu các bến xe thực hiện hàng loạt giải pháp hút khách như tăng cường dịch vụ thuận tiện nhất cho hành khách, loa báo hành khách vào bến được quyền lợi, yêu cầu nhà xe tăng chất lượng dịch vụ, phục vụ hành khách tốt hơn, không tăng giá vé…
Không nằm ngoài dự đoán, sau khi thực hiện điều chuyển luồng tuyến từ Bến xe Mỹ Đình về Bến xe Nước Ngầm, do tần suất xe hoạt động trên các tuyến này quá dày, lại phải cạnh tranh khốc liệt với đội ngũ đông đảo xe hợp đồng, xe dù, nhiều nhà xe hoạt động tại Bến xe Nước Ngầm sau thời gian dài vắng khách, thua lỗ đã phải bỏ bến, ngừng hoạt động.
Tại bến này, các nhà xe không thể “cầm cự” được nên cũng dồn dập bỏ bến từ đầu năm 2019 đến nay. Theo đó, Bến xe Nước Ngầm đã có 204 nốt xe bỏ bến, chủ yếu là các nhà xe hoạt động trên các tuyến Nước Ngầm - Nam Định và Nước Ngầm - Thái Bình. Đây cũng là những nốt xe được điều chuyển từ Bến xe Mỹ Đình về từ năm 2017. Điều này dẫn đến nghịch lý là trong bến thì vắng khách nhưng tại các văn phòng đại diện của các nhà xe lại hoạt động nhộn nhịp ngày đêm.Nhà xe biến văn phòng bán vé thành bến xe riêng của mình, mọi hoạt động đón, trả khách diễn ra ngang nhiên, thách thức cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, tình trạng xe khách dừng, đỗ trả khách tùy tiện vẫn là thực trạng nhức nhối tại Thủ đô.
“Xe khách trá hình, xe Limousine, xe “dù” len lỏi vào từng ngóc ngách làng xóm, chạy vào tận trung tâm thành phố, đến khu vực Bến xe Mỹ Đình đón, trả khách thì chúng tôi lấy đâu ra khách? Cơ quan chức năng không quản lý được, không dẹp được thì chắc chắn xe khách liên tỉnh sớm hay muộn cũng sẽ bỏ bến hết” - đây là tâm tư của ông Trần Văn Huế - đại diện Công ty Sao Vàng, chạy tuyến Đông Hưng (Thái Bình) - Nước Ngầm và cũng là bức xúc chung của các đơn vị vận tải hành khách liên tỉnh đang hoạt động trong bến hiện nay