Bộ Giao thông lên tiếng về việc tạm dừng thu phí 4 dự án BOT

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Chiều nay (8/7), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phát đi Thông cáo báo chí về việc ký kết Phụ lục hợp đồng triển khai thu phí tự động không dừng.

Bo Giao thong len tieng ve viec tam dung thu phi 4 du an BOT - Hinh anh 1

Theo đó, Bộ GTVT cho biết, dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc - giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức BOO (dự án BOO1) được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 4390/QĐ-BGTVT ngày 14/12/2015.
Bộ GTVT ra thông cáo về việc ký phụ lục hợp đồng thu phí tự động không dừng.

Việc triển khai áp dụng hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí đường bộ là chủ trương phải thực hiện theo chỉ đạo của Quốc hội(Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017) và Thủ tướng Chính phủ(Quyết định 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng và Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 27/12/2018 về đẩy nhanh tiến độ triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng) nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội, hướng tới sự hài hòng và thuận lợi cho người tham gia giao thông, đảm bảo sự minh bạch trong quá trình thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.

Theo Bộ GTVT, để tháo gỡ các vướng mắc về phương án tài chính trong việc triển khai dự án thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1317/TTg-CN ngày 27/9/2018 về việc triển khai dự án thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng; trên cơ sở chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã có Quyết định số 136/QĐ-BGTVT ngày 18/01/2019 phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án BOO1 (gồm 44 trạm thu phí).

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất tại các dự án và minh bạch trong việc tính chi phí quản lý thu phí tại các dự án BOT, Bộ GTVT đã có các văn bản số 1913/BGTVT-ĐTCT ngày 4/3/2019 và số 5604/BGTVT-ĐTCT ngày 13/6/2019 đề nghị các Nhà đầu tư dự án thu phí đường bộ căn cứ Quyết định số 136/QĐ-BGTVT ngày 18/1/2019 và mẫu Phụ lục hợp đồng về việc triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng để cùng Bộ GTVT ký kết làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Tính đến ngày 5/7/2019, các nhà đầu tư BOT quản lý 40 trạm thu phí đã cơ bản thống nhất ký Phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT. Tuy nhiên, còn 4 nhà đầu tư chưa đàm phán ký kết Phụ lục Hợp đồng với Bộ GTVT là Công ty Cổ phần Phước Tượng - Phú Gia BOT (trạm Bắc Hải Vân); Công ty TNHH đầu tư 194 BOT QL1 - Cam Ranh (trạm Cam Thịnh); Công ty cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai (trạm Km1610+800 và trạm Km1667+470); Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp (trạm Cần Thơ - Phụng Hiệp).

Với bản Thông cáo Báo chí này, Bộ GTVT khẳng định, Bộ đang đang tiếp tục đàm phán với 4 nhà đầu tư nêu trên, đảm bảo tiến độ ký Phụ lục hợp đồng trước ngày 10/7/2019 nhằm hoàn thành lắp đặt 44 trạm thu phí trong năm 2019 theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.

Trước đó, có thông tin cho rằng Tổng cục Đường bộ Việt Nam phát đi thông báo sẽ tạm dừng thu phí đối với 4 dự án BOT trên QL1, QL14 tổ chức tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ kể từ 18h ngày 10/7 cho đến khi hoàn tất việc ký phụ lục hợp đồng BOT triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Các trạm thu phí bị tạm dừng thu phí gồm: Trạm thu phí Km2079 + 535 QL1 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp (Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp); Bắc Hải Vân thuộc Dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng (Công ty Cổ phần Phước Tượng Phú Gia BOT); Cam Thịnh - Km1517+ 647, Quốc lộ 1 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1488 - Km1525 qua tỉnh Khánh Hòa (Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT QL1 - Cam Ranh); hai trạm thu phí tại Km1610+800 và Km1667+470 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 14 đoạn TP. Pleiku đến Cầu 110 (Công ty Cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai.

Tổng cục Đường bộ yêu cầu 4 doanh nghiệp dự án bị yêu cầu dừng thu phí thông báo công khai việc dừng thu phí trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại trạm thu phí; đảm bảo công trình được vận hành thông suốt, an toàn. Tổ chức trông coi, bảo vệ tài sản trạm thu phí tránh mất mát, hư hỏng tài sản, thiết bị; có biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khu vực trạm thu phí sau khi dùng thu.

Sau khi thông tin trên được phát đi, đại diện nhiều nhà đầu tư BOT đã lên tiếng phản ứng. Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cũng đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Quý Nguyễn

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h