Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đề cập đến vấn đề phát triển đường sắt đô thị. đại biểu Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội) nêu thực trạng triển khai các dự án đường sắt đô thị đang tồn tại nhiều vấn đề như dự án lớn, đầu tư lớn nhưng đội vốn, kéo dài, gây bức xúc, cần rút kinh nghiệm để không lặp lại các dự án sau.
Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đường sắt Cát Linh-Hà Đông (đây là dự án cho Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Hà Nội là đơn vị thụ hưởng, vận hành) vận hành vào cuối năm 2021, không để sai hẹn về đích đến lần thứ 9.
Giải trình một số ý kiến đại biểu, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đường sắt đô thị là loại hình giao thông hiện đại, giúp tránh ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn trên thế giới. Qua các dự án này, chúng ta rút ra những bài học hết sức sâu sắc liên quan đến việc quy hoạch, quá trình lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn đối tác, tổ chức đấu thầu...
“Đường sắt đô thị là hướng đột phá để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở những thành phố lớn. Việc này cần có sự vào cuộc của Chính phủ, Quốc hội bố trí nguồn lực và tổ chức xây dựng nhanh và tốt hơn”, Bộ trưởng Thể nói và khẳng định những ý kiến của Đại biểu Quốc hội, cử tri, Bộ GTVT xin tiếp thu, sắp tới sẽ cùng với các thành phố lớn tham mưu Chính phủ tốt hơn để các dự án mới tránh được tình trạng như hiện nay.
Về giao thông đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là vấn đề Chính phủ hết sức quan tâm trong thời gian qua.
“Hiện nay Bộ GTVT đã cho triển khai nghiên cứu 7 đường cao tốc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu thì nhiều nhưng chúng ta tập trung ở những đoạn, những tuyến, khu vực quan trọng để đầu tư trong 5 năm tới”, Bộ trưởng Thể nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT đã trình Chính phủ và Chính phủ sẽ trình Quốc hội hết nhiệm kỳ tới có thể nâng tỷ lệ đường cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long. Gần nhất là tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, đặc biệt là đường cao tốc từ Cần Thơ đi Cà Mau - đây là quyết tâm rất lớn của Chính phủ.
“Nếu không đầu tư cao tốc thì rất khó thu hút đầu tư, do đó chúng tôi đã xây dựng kế hoạch rất cụ thể. Rất mong Đại biểu Quốc hội ủng hộ để chúng ta hình thành hệ thống giao thông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, qua đó đánh thức tiềm năng phát triển khu vực này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Cũng theo Bộ trưởng, tính đến 30/10/2020, theo số lượng thống kê, cả nước đã giải ngân được 60% số vốn được bố trí. Riêng ngành GTVT được bố trí gần 40 nghìn tỷ trong năm 2020, đến nay, Bộ GTVT đã giải ngân được hơn 29 nghìn tỷ (chiếm hơn 73%), cao hơn bình quân cả nước 10%.
Có được kết quả này là do Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là các địa phương đã vào cuộc giúp Bộ GTVT trong công tác giải phóng mặt bằng. Kết quả đạt được trong năm 2020 là bài học quý báu để năm 2021 và nhiệm kỳ tiếp theo thực hiện tốt hơn.