Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Tập trung nguồn lực cho cao tốc Bắc -Nam

 
Chia sẻ

Năm 2020 Bộ GTVT sẽ ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển hệ thống đường cao tốc. Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhân dịp dịp đầu năm mới.

Bo truong Nguyen Van The: Tap trung nguon luc cho cao toc Bac -Nam - Hinh anh 1
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Năm 2019 khép lại phía sau với tín hiệu vui của ngành Giao thông Vận tải (GTVT) khi tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã chính thức khởi công, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khơi thông dòng vốn, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã được “giải cứu” thành công. Cùng đó, 8 dự án cao tốc Bắc Nam với hình thức PPP (Hợp tác công tư) khác đã được 32 nhà thầu trong nước quan tâm...Tuy nhiên, vẫn có nhiều sóng gió đón đợi “Tư lệnh” ngành giao thông trong năm 2020.

Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, đồng thời là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đặc biệt năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN.

Với dấu mốc quan trọng này, phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành giao thông vận tải sẽ thực hiện trong năm 2020.

- Bộ trưởng đánh giá thế nào về những kết quả đã đạt được trong năm 2019 của ngành giao thông vận tải?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Năm 2019, dù còn gặp nhiều thách thức, nhưng được sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương và sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của tập thể Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo bộ GTVT và sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…, ngành GTVT đã hoàn thành tốt gần như tất cả các nhiệm vụ được giao.

Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi xem đây là một khâu đột phá của ngành giao thông. Năm 2019, bộ GTVT đã hoàn thành 100% kế hoạch. Việc xây dựng hệ thống văn bản này vừa không tốn nhiều kinh phí mà lại thu được những tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội và trong năm qua.

Về an toàn giao thông cũng là một trong những điểm sáng của ngành giao thông trong năm 2019. Chúng ta đã đạt được mục tiêu kéo giảm cả 3 tiêu chí đặc biệt là số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông 11 tháng đầu năm 219 thì đều vượt kế hoạch trên 5% so với nghị quyết của Chính Phủ.

Năm qua, Bộ GTVT cũng đạt được một số thành tựu trong lĩnh vực xây dựng khi cơ bản thực hiện được những công trình trọng điểm Quốc gia như dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Xây dựng sân bay quốc tế Long Thành; Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam...

- Vậy theo Bộ trưởng, còn những gì mà trong năm 2019 mà ngành giao thông chưa làm được khiến ông trăn trở?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Thực tế, còn rất nhiều điều phải làm: đó là tại các dự án, công tác chuẩn bị kéo dài thời gian trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ. Vì thế, về tiến độ gặp nhiều khó khăn nhất định.

Bên cạnh đó, tình hình giải ngân giao thông chưa được tốt do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ yếu là công tác giải phóng mặt bằng.

Các dự án đường sắt trên cao còn tình trạng đội vốn, chậm tiến độ. Một số dự án BOT vẫn còn là điểm nóng chưa thể giải quyết…

- Diện mạo hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua có những chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên trong bối cảnh nguồn lực ngân sách còn hạn chế, Bộ GTVT có những giải pháp nào thu hút nguồn vốn cho lĩnh vực giao thông vận tải, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Hiện nay, Bộ GTVT cùng với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật PPP). Đây là Bộ Luật được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho nhiều lĩnh vực; trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải.

Khi có cơ sở pháp lý cho hình thức hợp tác công tư, chúng ta sẽ công khai, minh bạch được các chính sách để thu hút thêm các nguồn lực cho phát triển hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng.

Chúng tôi hy vọng giai đoạn tới, với các quy định của Luật PPP Việt Nam sẽ huy động được nhiều nguồn lực; trong đó có nguồn lực trong nước, nguồn lực của doanh nghiệp, của người dân thông qua các hình thức huy động vốn như: trái phiếu công trình, trái phiếu Chính phủ…


Trong lĩnh vực giao thông, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến hệ thống quốc lộ; trong đó có hệ thống đường cao tốc. Mặc dù hệ thống đường quốc lộ đã có gần 25.000km nhưng hệ thống này có đặc thù bị đô thị hóa với lượng nhà cửa ở hai bên đường rất lớn, dẫn đến không phát huy được tốc độ, hạn chế việc đi lại của nhân dân, đặc biệt là vấn đề an toàn giao thông khó đảm bảo.

Do đó, giải pháp đầu tư xây dựng các đường cao tốc đang được ưu tiên. Chỉ có hệ thông đường cao tốc mới khai thác tốt được tốc độ, kết nối các trung tâm kinh tế, vùng miền, các khu công nghiệp được nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo an toàn giao thông. Bộ Giao thông Vận tải kỳ vọng, khi Luật PPP được ban hành sẽ huy động được nhiều nguồn lực cho phát triển hệ thống đường cao tốc.

- Một trong những “bài toán” khó hiện nay là hút vốn cho cao tốc Bắc – Nam, giải pháp nào được đưa ra, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Trong lĩnh vực giao thông, chúng tôi sẽ dành sự quan tâm đến hệ thống quốc lộ, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc. Hiện chúng ta có gần 25.000 km đường quốc lộ nhưng chỉ có gần 1.000 km đường cao tốc.

Trong mục tiêu 3 -4 năm tới chúng ta cần có 2.000 km đường cao tốc vì thế, việc huy động, hút vốn tư nhân là rất quan trọng. Do đó, chúng tôi tham mưu và thực hiện theo luật PPP để huy động được các nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.

- Thời gian qua, lĩnh vực đường sắt và hàng không xảy ra một số vụ việc liên quan đến an toàn giao thông và an toàn bay. Vậy trong thời gian tới, Bộ GTVT làm gì để chấn chỉnh trong hai lĩnh vực này, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Về đường sắt, dự án nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh với kinh phí khoảng 7.000 tỷ đồng đã được Bộ GTVT trình Chính phủ xem xét, kỳ vọng sẽ cải thiện năng lực chạy tàu của ngành đường sắt cũng như nâng cao an toàn chạy tàu.

Đồng thời với đường sắt hiện hữu, Bộ GTVT đang nghiên cứu xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Dự án nếu được xây dựng sẽ đảm bảo gần như tuyệt đối các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông đường sắt.

Liên quan đến một số vụ sơ xuất kỹ thuật của hãng hàng không, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị tham mưu, đơn vị quản lý chuyên ngành; trong đó có Cục Hàng không Việt Nam đề ra các giải pháp cho vấn đề này. Ví dụ, khi tuyển phi công mới cần nắm rõ được trình độ, kinh nghiệm để đảm bảo các phi công được các hãng hàng không tuyển dụng đều đảm bảo yêu cầu.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ có giải pháp tăng cường năng lực của đội ngũ kỹ thuật các hãng hàng không. Theo nguyên tắc, trước mỗi chuyến bay, đội ngũ kỹ thuật của mỗi hãng bay có trách nhiệm kiểm tra toàn diện xem có đảm bảo tiêu chuẩn để được bay hay không.

Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xử lý nghiêm những hành vi vi phạm liên quan đến các hãng hàng không, cụ thể như phi công để xảy ra vi phạm thì các hãng hàng không sẽ bị xử lý trước tiên.

Tuy nhiên, đi cùng với đó sẽ tiềm ẩn việc thiếu hụt nguồn nhân lực hàng không, áp lực cho hạ tầng ngành hàng không. Do đó, Bộ GTVT đã yêu cầu mỗi một hãng hàng không khi đưa một tàu bay mới vào khai thác phải đảm bảo đủ đội ngũ phi công, cán bộ kỹ thuật. Chỉ khi đảm bảo đầy đủ các yêu cầu này mới cấp phép cho máy bay hoạt động.

- Thưa Bộ trưởng năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN với nhiều hoạt động quan trọng sẽ diễn ra. Ngành GTVT có những chuẩn bị gì cho những hoạt động trên,?

- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 
Cuối năm 2019, Bộ GTVT đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN cùng với 3 đối tác là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Đây là sự chuẩn bị tốt của ngành giao thông vận tải cho các hoạt động của Việt Nam trong năm 2020 khi đóng vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020.

Đặc biệt, năm 2022 chúng tôi mong muốn ký được Hiệp định thư với Liên minh châu Âu (EU) về khai thác Thương quyền 5 (Quyền nhận hành khách, hàng hóa, thư tín từ nước thứ hai để chở đến nước thứ ba và quyền nhận hành khách, hàng hóa, thư tín từ nước thứ ba để chở đến nước thứ hai trong Công ước Chicago). Qua đó giúp tăng cường vận tải hàng không giữa các nước ASEAN với các nước EU.

Khi ký được Hiệp định thư này không chỉ giúp tự do hóa thị trường hàng không khu vực mà thông qua cơ chế hợp tác này, các hãng hàng không có thể mở rộng mạng đường bay tới các khu vực khác trên thế giới.

Đối với hoạt động hàng không của Việt Nam, đây sẽ là cơ hội phát triển đột phá, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, du khách đến Việt Nam nhanh hơn, thuận lợi và tốt hơn.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo VOV.VN

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h