Cầu Thăng Long tổ chức phân luồng giao thông thử từ ngày 28/7 đến 8/8 và chính thức cấm cầu từ ngày 8/8/2020.
|
Tổng mức đầu tư của dự án là 269,3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ. Thời gian triển khai thi công hoàn thành trong quý 4/2020.
Về công tác phân luồng đảm bảo giao thông, Tổng cục Đường bộ thực hiện công tác cắm biển báo, công bố thông tin trên các phương tiện từ ngày 20/7 và tổ chức phân luồng giao thông thử từ ngày 28/7 - 8/8 và chính thức cấm cầu từ ngày 8/8/2020.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ thông tin thêm, sau khi nghiên cứu, các nhà thầu đi đến thống nhất phải gia cường mặt cầu thép trực hướng hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ.
Công nghệ này được Tổng cục Đường bộ nghiên cứu 2 năm nay, trên cơ sở tiếp thu công nghệ của nhiều nước đã áp dụng. Công nghệ này mới với Việt Nam nhưng đã được nhiều nước áp dụng thành công. Tổng cục sẽ thuê chuyên gia nước ngoài cùng chuyên gia của Việt Nam giám sát quá trình thi công.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có báo cáo trình UBND TP Hà Nội phương án phân luồng, tổ chức giao thông phục vụ thi công dự án sửa chữa cầu Thăng Long.
Trong quá trình sửa chữa, tầng 2 cầu Thăng Long cấm tuyệt đối các phương tiện lưu thông. Còn tại tầng 1, tàu hỏa được phép lưu thông với tốc độ dưới 5km/h, các phương tiện như: Mô tô, xe máy, xe thô sơ lưu thông bình thường.
Về các phương án phân luồng giao thông cho từng loại phương tiện, Sở Giao thông vận tải cho biết phương tiện xe máy lưu thông 2 chiều bình thường qua tầng 1 Cầu Thăng Long trong thời gian sửa chữa.
Với xe tải từ 1,25 tấn, xe khách từ 16 chỗ, đi từ các tỉnh phía Bắc có nhu cầu qua cầu Thăng Long đến khu vực phía Nam cầu Thăng Long đi theo các hướng: Từ đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 5, Quốc lộ 18, Quốc lộ 1, Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 3, đường Hồ Chí Minh, đi qua cầu Thanh Trì hoặc cầu Vĩnh Thịnh, đi đường Vành đai 3 trên cao...
Xe tải từ 1,25 tấn, xe khách từ 16 chỗ đi từ các tỉnh phía Nam có nhu cầu qua cầu Thăng Long đến khu vực phía Bắc cầu Thăng Long đi theo các hướng: Đi từ Quốc lộ 32, Quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Quốc lộ 21, qua cầu Vĩnh Thịnh hoặc cầu Thanh Trì hoặc cầu Hưng Hà (đường nối đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), đi Quốc lộ 2, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài hoặc Quốc lộ 1, Quốc lộ 5, Quốc lộ 5 kéo dài, Quốc lộ 38, Quốc lộ 39, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Quốc lộ 1, Quốc lộ 5, Quốc lộ 5 kéo dài, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài...
Với xe buýt đi ở phía Nam qua cầu Thăng Long
Các tuyến buýt lộ trình đi theo hướng từ Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng đi cầu Thăng Long: Điều chỉnh theo hướng Phạm Văn Đồng rẽ đường DT1 (cổng phía nam công viên Hòa Bình) đi theo đường nội bộ Khu đô thị Tây Hồ Tây ra đường Võ Chí Công đi cầu Nhật Tân.
Các tuyến buýt đang hoạt động có điểm đầu cuối tại Nam Thăng Long: Điều chỉnh đi theo đường Đỗ Nhuận, đường nội bộ Khu đô thị Tây Hồ Tây ra đường Võ Chí Công đi cầu Nhật Tân. Riêng đối với các tuyến buýt có sức chứa nhỏ, đề xuất điều chỉnh lộ trình đi Phạm Văn Đồng rẽ vào Nguyễn Hoàng Tôn đi Võ Chí Công và cầu Nhật Tân.
Các tuyến buýt có lộ trình đang hoạt động trên đường Hoàng Quốc Việt rẽ Phạm Văn Đồng đi cầu Thăng Long : điều chỉnh đi Hoàng Quốc Việt đến Võ Chí Công đi cầu Nhật Tân.
Các tuyến buýt có lộ trình đang hoạt động trên đường An Dương Vương, rẽ đường dẫn lên cầu Thăng Long : điều chỉnh đi Âu Cơ - An Dương Vương rẽ Võ Chí Công đi cầu Nhật Tân.
Với xe buýt đi ở phía Bắc qua cầu Thăng Long
Các tuyến buýt có lộ trình đi theo hướng từ Võ Văn Kiệt hoặc đường nội bộ KCN Bắc Thăng Long đi cầu Thăng Long: Điều chỉnh đi theo đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - cầu Nhật Tân.
Các tuyến buýt có lộ trình đi theo đường Vân Trì - Hoàng Sa - đường 6km (Vĩnh Ngọc) - đường dẫn lên cầu Thăng Long - cầu Thăng Long: Điều chỉnh theo hướng đi Vân Trì - Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - cầu Nhật Tân.
Các tuyến buýt có lộ trình đi theo đường Hoàng Sa - Vân Trì - đường 6km (Vĩnh Ngọc) - đường dẫn lên Cầu Thăng Long - Cầu Thăng Long: Điều chỉnh theo hướng đi đường 6 km (Vĩnh Ngọc) - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - Võ Nguyên Giáp - cầu Nhật Tân.
Với xe khách tuyến cố định liên tỉnh, cấm tuyệt đối chạy xuyên tâm thành phố trên đường Vành đai III và cầu Thăng Long.
Với xe tải, cho phép lưu thông theo giờ trên đường Phạm Văn Đồng - Tân Xuân - An Dương Vương - Cầu Nhật Tân và ngược lại như sau:
Ngoài giờ cao điểm (từ 19 giờ 30 đến 6 giờ; từ 9 giờ đến 16 giờ 30 hàng ngày): Xe tải (có khối lượng toàn bộ từ 1,25 tấn đến 10 tấn). Từ 21 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau: Xe tải (có khối lượng toàn bộ từ trên 10 tấn đến 24 tấn hoặc dưới 3 trục).
Cấm xe tải có khối lượng toàn bộ trên 24 tấn hoặc trên 4 trục, Xe chở container, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe đầu kéo kéo sơ mi rơ mooc, xe quá tải trọng lưu thông trên tuyến đường trên.
Với xe con, xe tải dưới 1,25 tấn đi các đường (Hoàng Quốc Việt, Đỗ Nhuận, Đường DT1 (Khu đô thị Tây Hồ Tây – Ngoại giao đoàn), đường Nguyễn Hoàng Tôn) ra đường Võ Chí Công để đi Cầu Nhật Tân và ngược lại.