Đến năm 2020, lượng ô tô ở Đà Nẵng sẽ tăng hơn gấp đôi năm 2015
Như Infonet đã đưa tin, ngày theo đề xuất của Sở GTVT, ngày 19/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã có văn bản 4883/UBND-SGTVT chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương điều tiết các loại xe khách trên 30 chỗ ngồi (trừ xe buýt) vào trung tâm TP. Để làm rõ hơn chủ trương này, ngày 22/7, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng.
Ông Lê Văn Trung cho hay, năm 2010, ô tô đăng ký mới trên địa bàn là 3.555 chiếc, tổng số ô tô quản lý thời điểm hiện tại là 30.802 chiếc; năm 2018, ô tô đăng ký mới 11.982 chiếc, tổng số ô tô đang quản lý 79.473 chiếc.
Tương tự, năm 2010, tổng số mô tô là 524.790 chiếc, đến năm 2018 tăng lên 892.960 chiếc. Dự báo đến năm 2020, TP có trên 110.000 ô tô và trên 1 triệu mô tô, xe máy. Như vậy, năm 2020, lượng ô tô tăng hơn gấp đôi so với cuối năm 2015. Ngoài ra, qua theo dõi thực tế, xe ngoại tỉnh tham gia giao thông trên địa bàn TP cũng chiếm trên 21%.
|
Xe du lịch cỡ lớn đang ngày càng trở thành nỗi ám ảnh đối với giao thông khu vực trung tâm TP Đà Nẵng |
Trong khi phương tiện cơ giới phát triển nhanh thì các cơ quan TW chưa ban hành các hành lang pháp lý quy định về: kiểm soát đăng ký mới ô tô, xe máy; thu phí các loại phương tiện cơ giới cá nhân vào trung tâm; kiểm soát niên hạn sử dụng các loại phương tiện không hoạt động kinh doanh vận tải; chưa ban hành quy định về kiểm soát chất lượng, khí thải xe máy.
Chính việc thiếu những quy định trên đã dẫn đến rất khó khăn trong việc hạn chế, kiểm soát sự gia tăng phương tiện cơ giới do thiếu hành lang pháp lý được áp dụng thống nhất trên cả nước.
“Điều đó khiến cho trong bối cảnh quỹ đất dành cho hạ tầng giao thông nói chung, giao thông tĩnh nói riêng còn hạn chế, nhất là ở khu vực trung tâm thì tình trạng dừng, đỗ xe tràn lan trên các tuyến đường xảy ra thường xuyên, gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, dẫn đến hiện tượng ùn tắc giao thông!” – Ông Lê Văn Trung nói.
Xe khách cỡ lớn đang là nỗi ám ảnh
Ông Lê Văn Trung cũng nhấn mạnh thêm, du lịch Đà Nẵng thời gian qua phát triển mạnh; tốc độ tăng trưởng khách bình quân 14,84%; số cơ sở lưu trú tập trung tại quận Hải Châu, Thanh Khê cao. Cùng với đó, các loại xe cỡ lớn, nhất là xe du lịch, lưu thông vào khu vực trung tâm TP giờ cao điểm và một số thời điểm đã gây ra ùn tắc cục bộ, mất an toàn giao thông do kích thước xe lớn, bán kính quay vòng lớn, khả năng xoay xở kém, nhiều điểm mù; đặc biệt là hệ số rỗng cao.
Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng cho hay, đến hết năm 2018, trên địa bàn có 3.961 xe khách, chiếm 4,98%; trong đó, xe khách trên 30 chỗ là 751 chiếc (0,94%); xe khách đến 30 chỗ là 3.210 chiếc (4,04%). Chiều dài, bán kính quay vòng của các xe tải hạng trung trở lên, xe khách từ 30 chỗ ngồi trở lên gấp đôi các loại xe ô tô con.
“Cùng với các loại xe tải cỡ lớn thì xe khách kích thước lớn cũng không phù hợp với hầu hết các mặt cắt ngang tuyến đường khu vực nội thành, gây cản trở các loại phương tiện khác (tốc độ thấp, lấn làn) do yêu cầu kỹ thuật tốc độ rẽ thấp, bán kính rẽ lớn (lấn qua làn bên đối với các tuyến đường 7,5m trở xuống. Vì vậy càng có nguy cơ dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm TP!” – Ông Lê Văn Trung cho biết.
|
Xe khách trên 30 chỗ ngồi có kích thước lớn, bán kính quay vòng lớn, khả năng xoay xở kém, nhiều điểm mù, hệ số rỗng cao là một trong những nguyên nhân gây ra ùn tắc cục bộ, mất an toàn giao thông |
Theo khảo sát của Sở GTVT Đà Nẵng, thời gian qua hiện tượng ùn tắc giao thông trên địa bàn xảy ra chủ yếu vào giờ cao điểm (6h45 – 7h45, 11h00-12h00 và 16h30 – 18h30) ở một số nút giao thông, trục giao thông chính khu vực trung tâm. Vị trí ùn tắc thường xuất phát từ nút giao với các trục đường có lưu lượng giao thông cao vào nút lớn, dẫn đến tình trạng ùn tắc tiếp đoạn đường trước đó.
Đặc biệt, hiện tượng ùn tắc khu vực trung tâm có xu hướng gia tăng trên các tuyến đường nối giữa trung tâm và ngoại thành theo chiều lưu thông ra/vào trung tâm, với chiều vào trung tâm vào buổi sáng và chiều ra khỏi trung tâm vào buổi chiều. Ngoài ra, thống kê các chuyến bay đi/đến TP Đà Nẵng cũng góp phần gia tăng tình trạng tập trung các phương tiện vào giờ cao điểm khu vực, đặc biệt là giờ cao điểm buổi trưa, chiều.
Ông Lê Văn Trung nhấn mạnh: “Cùng với sự phát triển du lịch là việc tăng trưởng số lượng xe kinh doanh du lịch ở địa phương cũng như ở địa phương lân cận lưu thông trên địa bàn TP. Điều này dẫn đến mật độ xe trên đường tăng cao, đặc biệt là vào các mùa du lịch, lễ hội, giờ cao điểm trong ngày. Trong đó, các loại xe có kích thước lớn lưu thông vào khu vực trung tâm TP giờ cao điểm cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ, mất ATGT!”.
Bắt đầu xử phạt từ 1/9/2019
Trước tình hình đó, ông Lê Văn Trung cho biết, tại “Phương án điều tiết các loại xe có kích thước lớn vào trung tâm TP giai đoạn 2019 – 2020” (vừa được UBND TP Đà Nẵng thống nhất thông qua), Sở GTVT Đà Nẵng đã đề xuất phạm vi hạn chế lưu thông gồm các đoạn tuyến đường nằm trong khu vực các tuyến đường bao, gồm: Nguyễn Tất Thành -> Lý Thái Tông -> Hoàng Thị Loan -> Điện Biên Phủ -> Nguyễn Tri Phương -> Nguyễn Hữu Thọ -> Xô Viết Nghệ Tĩnh -> 2 Tháng 9 -> Bạch Đằng -> 3 Tháng 2 -> Nguyễn Tất Thành (Các tuyến đường bao được phép lưu thông).
Trước mắt, từ nay đến năm 2020, đề xuất hạn chế lưu thông vào khu vực trung tâm phân theo loại phương tiện, theo thời gian, theo khu vực một số loại xe ô tô có kích thước lớn gồm: Xe ô tô tải có tải trọng hàng hóa trên 2,5 tấn; Xe ô tô tải có tải trọng hàng hóa từ 1,5 tấn đến 2,5 tấn; Xe ô tô khách trên 30 chỗ ngồi; Xe ô tô khách trên 16 chỗ ngồi đến 30 chỗ ngồi.
UBND TP Đà Nẵng giao Công an TP chủ trì, chỉ đạo các lực lượng phối hợp với Thanh tra Sở GTVT và các đơn vị liên quan tổ chức ra quân hướng dẫn, nhắc nhở người tham gia giao thông biết, thực hiện chủ trương điều tiết các loại xe khách trên 30 chỗ ngồi, xe tải vào trung tâm TP đến hết ngày 31/8/2019 và bắt đầu tiến hành xử phạt các hành vi vi phạm kể từ ngày 1/9/2019.