Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh sự phát triển của xe điện phù hợp với xu hướng thế giới, cần xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy.
|
TS.Triệu Việt Phương, Phó Viện trưởng, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
TS.Triệu Việt Phương, Phó Viện trưởng, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam cho biết, tiêu chuẩn là tiền đề rất quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại để hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ hơn với quốc tế và khu vực.
Trước sự phát triển của xe điện ở Việt Nam hiện nay, đòi hỏi phải có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đầy đủ, hài hoà với các hệ thống tiêu chuẩn trong khu vực và trên thế giới, phục vụ kịp thời nhu cầu của các nhà sản xuất, nhập khẩu, bảo vệ gười tiêu dùng,…
Bên cạnh đó, việc có hệ thống TCVN đầy đủ sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý chất lượng đối với xe điện.
Tại Việt Nam, về xe điện hiện có 21 TCVN theo các nhóm: Thuật ngữ; An toàn; Đo vận tốc, tiêu thụ năng lượng và phát thải; Thử nghiệm pin/ắc quy trên xe. Đối với trạm, trụ sạc và các thiết bị liên quan có 19 TCVN được công bố.
|
Dù đã lắp đặt hàng nghìn trạm sạc trên cả nước, nhưng ở một số hạng mục, VinFast phải áp dụng tiêu chuẩn tương đương của quốc tế. |
Tuy nhiên, để phục vụ quản lý nhà nước, hỗ trợ việc phát triển xe điện và hạ tầng trạm sạc xe điện, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia khác như: Thuật ngữ và phân loại các mức độ xe tự lái; Yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu an toàn đối với xe tự lái; Yêu cầu về kỹ thuật và thử nghiệm đối với hệ thống điều khiển trong quá trình vận hành; Hệ thống tiêu chuẩn hỗ trợ từ quy hoạch hạ tầng lưới điện, quy hoạch điểm xây dựng trạm sạc; Quy định về hệ thống lắp đặt điện cho trạm sạc nhằm đảm bảo an toàn PCCC,…quy định về an toàn và tính năng của bản thân trụ sạc, các chuẩn đầu cắm sạc, quy định về kiểm định phương tiện đo đối với các thiết bị đo kiểm phục vụ mua bán điện tử trạm sạc, thu gom xử lý pin/ắc quy sau vòng đời sử dụng.
Ngoài ra, ông Phương cũng cho rằng, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách về phát triển xe điện ở Việt Nam như: Xây dựng chiến lược, chính sách ưu đãi, khuyết khích đầu tư công nghệ, ban hành các cơ chế thúc đẩy sự tham gia đóng góp, tạo động lực nghiên cứu, phát triển hệ thống TCVN vì lợi ích chung của xã hội; Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến hệ thống TCVN đã có đến cộng đồng nhằm đưa tiêu chuẩn vào thực tế đời sống, thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng thời cũng cần sự vào cuộc chủ động, đồng hành nhiều hơn từ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe điện, trang thiết bị thử nghiệm, đánh giá xe, trạm, trụ sạc,…để có được nguồn lực mạnh, đủ khả năng rà soát, cập nhật và bổ sung, xây dựng, hoàn thiện hệ thống TCVN về xe điện ở Việt Nam.
Ngoài ra, trong quá trình hoàn thiện hệ thống TCVN về xe điện cần tiếp tục ưu tiên phát triển các TCVN về hệ thống trạm sạc, hệ thống sạc nhanh, trạm đổi pin…để có thể sớm đưa ra các yêu cầu kỹ thuật và an toàn của các thiết bị và trạm sạc vào quản lý, giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả, an toàn điện trong quá trình sử dụng.