|
Đến năm 2019, Thành phố Hà Nội chỉ có 385 trong số 3.000 điểm dừng xe buýt có nhà chờ |
Đến thời điểm hiện tại, toàn Thành phố có 123 tuyến buýt với gần 2.000 phương tiện, bao phủ 100% các quận, huyện, thị xã; 100% các trường học; 86% khu công nghiệp và 90% khu đô thị hiện hữu. Cùng với sự phát triển mạng lưới xe buýt Hà Nội, hệ thống điểm dừng, nhà chờ cũng được xây dựng ngày càng nhiều, nhưng lại đang tồn tại không ít bất cập.
Hiện nay, chỉ cần dạo một vòng quanh Hà Nội, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các điểm dừng, nhà chờ xe buýt thiếu mái che. Điển hình như trên trục đường Nguyễn Khoái kéo dài từ quận Hai Bà Trưng sang quận Hoàng Mai hay dọc đường Phạm Văn Đồng, Vũ Phạm Hàm, Phạm Văn Bạch, Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy)… hàng chục điểm dừng xe buýt chỉ có một cọc sắt gắn biển ghi thông tin số hiệu tuyến và lộ trình.
Hành khách muốn đi xe buýt không có cách nào khác ngoài chờ đợi giữa trời bất kể nắng, mưa. Điều ngày khiến nhiều người vô cùng bức xúc và lựa chọn di chuyển bằng phương tiện khác.
Chị Đinh Thị Lan Anh (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) chia sẻ: “Thi thoảng có việc cần chờ xe buýt tại điểm trên đường Phạm Văn Đồng hay điểm Nguyễn Phong Sắc đối diện Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tôi cảm thấy rất bức xúc. Nhiều khi trời mưa chẳng biết trú vào đâu đành phải vẫy taxi đi, vừa tốn kém lại mất thời gian”.
Bên cạnh đó, nhiều điểm dừng, nhà chờ trên địa bàn thành phố dù có mái che nhưng bị xe ôm, hàng quán chiếm dụng, thậm chí trở thành nơi tập kết rác thải, vật liệu xây dựng... Ví dụ như điểm chờ ở đối diện Đại học Giao thông Vận tải (quận Cầu Giấy), điểm chờ trường Đại học Kiến Trúc (quận Thanh Xuân), điểm dừng xe buýt trước cổng Bến xe Nước Ngầm (quận Hoàng Mai)…
Nội thành đã vậy, những tuyến đường càng xa trung tâm thành phố lại càng khan hiếm những điểm dừng xe buýt có nhà chờ, ghế ngồi, mái che. Tần suất các chuyến xe ít, thời gian chờ đợi lâu trong khi nhiều tuyến đường lại thiếu cây xanh che phủ cho nên hành khách đứng chờ xe buýt rất vất vả.
Theo thống kê của sở Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đến năm 2019, Thành phố chỉ có 385 trong số 3.000 điểm dừng có nhà chờ. Với điều kiện giao thông ở Hà Nội hiện nay, sự hiếu hụt sự thiếu hụt các điểm dừng có nhà chờ cho hành khách là một sự bất tiện rất lớn.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển nhà chờ hiện cũng gặp phải nhiều trở ngại, bất cập. Ở khu vực nội thành, hạ tầng để phát triển nhà chờ rất khó khăn, vỉa hè hẹp không cho phép, đặc biệt là thường gặp phải sự không ủng hộ của những người dân sinh sống, kinh doanh, buôn bán và các đơn vị ở trên vỉa hè, lề đường được chọn để xây dựng điểm dừng và nhà chờ.
Trong khi đó, ở ngoại thành, hạ tầng chưa phát triển, nhiều vị trí chưa có vỉa hè, lòng đường, lề đường ổn định để bố trí các nhà chờ, do đó việc phát triển nhà chờ ở ngoại thành rất kém, tỷ lệ nhà chờ thấp.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những bất cập kể trên là do từ trước tới nay, Hà Nội vẫn chỉ xem hệ thống điểm dừng, nhà chờ như một hợp phần đi kèm của xe buýt mà chưa được xem xét, tách thành một quy hoạch riêng, song hành với quy hoạch mạng lưới vận tải công cộng như đúng với vai trò của nó.
Vì vậy, để tạo thuận lợi cho hành khách trong lúc chờ, đón xe, cùng với việc đầu tư xe mới phục vụ khai thác những tuyến buýt chất lượng cao, các cơ quan chức năng cần chú trọng hơn nữa việc đầu tư xây dựng, quy hoạch, thiết kế hợp lý hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt có mái che sao cho dễ tiếp cận, an toàn để thu hút người dân đến với loại hình vận tải công cộng thiết yếu này.