Cần thêm chính sách khuyến khích để phát triển kinh doanh vận tải bằng xe điện

HUYỀN SÂM
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Chuyển đổi xe điện là vấn đề cần sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành. Theo các chuyên gia, ngoài làm rõ lợi ích của loại hình này còn cần các chính sách hỗ trợ dành cho việc chuyển đổi phương tiện, đặc biệt là đối với những DN, những người tiên phong.

Làm rõ lợi thế

Thực hiện Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh, các DN sẽ thực hiện chuyển đổi dần hình thức kinh doanh vận tải từ xe xăng sang xe điện, nhưng để tối ưu chi phí DN cần cân nhắc nhiều yếu tố. 

Thứ nhất là cân nhắc loại phương tiện phù hợp, thứ hai là chi phí tiêu thụ năng lượng trên mỗi km. So với xe xăng, chi phí tiêu thụ năng lượng của xe điện hiện nay chỉ chiếm từ 25-30%. Đây cũng là tính ưu việt của ô tô điện so với xe xăng do không cần phải thay dầu động cơ, dầu máy.

Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Uy - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, các nhà sản xuất xe điện cũng cần lưu ý quan tâm đến nguồn phụ tùng thay thế cho phương tiện sao cho phổ biến với giá thành hợp lý mới có thể thu hút DN lựa chọn.

Song song với đó là chất lượng xe, khi vận hành phải bền bỉ với tuổi thọ càng dài càng tốt, càng hấp dẫn.

Can them chinh sach khuyen khich de phat trien kinh doanh van tai bang xe dien - Hinh anh 1
Cần thêm chính sách khuyến khích để phát triển kinh doanh vận tải bằng xe điện. Ảnh: Bảo Giao thông

Còn theo Giám đốc công ty Én Vàng Nguyễn Văn Định, các DN vận tải trước khi quyết định đầu tư chuyển đổi sang xe điện, cần phải xem khách hàng có ủng hộ không. Sau đó xác định taxi điện có phù hợp vùng địa lý và đối tượng khách hàng hướng đến không, cũng như tính toán kỹ tỷ lệ km có khách và tỷ lệ km "rỗng".

Theo ông Nguyễn Văn Định, hiện tại mức đầu tư ban đầu của xe điện cao hơn khoảng từ 30-50% so với xe xăng cùng phân khúc, do đó cũng cần chú ý kỹ việc xây dựng mức giá cước bình quân. Ngày lễ, tết, doanh thu xe xăng có thể đẩy lên còn xe điện thì không do cần thời gian sạc và tìm trạm sạc.

Ông Hồ Quang Hiếu, đại diện taxi MaiLove cũng cho rằng giá xe điện hiện vẫn cao so với xe xăng cùng phân khúc và ảnh hưởng đến vấn đề thu hồi vốn. Doanh thu hiện tại của xe điện chưa đủ bù đắp chi phí đầu tư. MaiLove hiện kinh doanh song song cả xe điện và xe xăng, tuy nhiên hãng mới chỉ đang thuê chứ chưa mua xe điện vì đang cân nhắc về giá bán.

Đại diện các DN vận tải đều mong muốn Chính phủ sẽ có những ưu đãi, chính sách khuyến khích cụ thể, rõ ràng cho cả doanh nghiệp và người dùng xe điện để thúc đẩy chuyển đổi và tăng số lượng xe bán ra. Từ đó giảm giá bán xe điện và giúp giảm cước taxi điện cũng như rút ngắn thời gian hoàn vốn của DN.

Cần chính sách khuyến khích

Từ việc các doanh nghiệp vận tải đã quan tâm đến phương án chuyển đổi từ xe xăng dầu sang xe điện nhưng còn có một số băn khoăn về việc đầu tư, theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội, bài toán giữa tài chính và cam kết giảm phát thải khí CO2 cần đảm bảo được sự hài hoà.

Chính phủ cần có những chính sách để tạo đòn bẩy mạnh hơn thu hút DN tham gia chuyển đổi phương tiện xanh. Trong đó, lưu ý đến chính sách về giá vốn, làm thế nào để huy động được vốn "xanh", sao cho các DN nhỏ cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn và những hướng dẫn cụ thể để thực hiện dễ dàng. Từ đó sẽ có ngày càng nhiều người tiên phong", ông Đàm Hoàng Phúc nói.

Tiếp đó, cần có chính sách phát triển trạm sạc. Một mình VinFast làm sẽ rất khó để phủ rộng mạng lưới trạm sạc đáp ứng nhu cầu của người dùng. Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy để có thêm nhiều đối tác tham gia xây dựng trạm sạc, hướng đến cùng chia sẻ sử dụng cho tất cả các loại xe điện.

Ông Nguyễn Văn Định - đại diện taxi Én Vàng cho rằng vận tải là ngành đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi thói quen sang sử dụng năng lượng sạch. Trước hết, cần tăng cường truyền thông đến người dân về lợi ích bảo vệ môi trường của ô tô điện và các dòng xe xanh. Đồng thời bổ sung thêm các văn bản luật, dưới luật hướng dẫn thực hiện.

Cùng đó, cần những chính sách trợ giá từ Chính phủ giống như chính sách miễn phí trước bạ cho xe điện hiện tại. Ở châu Âu và Trung Quốc, có những khoản hỗ trợ cụ thể bằng tiền cho các doanh nghiệp taxi điện.

Ngoài ra, cần có quy hoạch bắt buộc về cơ sở hạ tầng trạm sạc, ưu tiên, khuyến khích những nơi tập trung đông người như bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, khu du lịch... sử dụng xe năng lượng sạch để bảo vệ môi trường.

Theo ông Hồ Quang Hiếu, giá điện cũng là yếu tố các doanh nghiệp vận tải quan tâm. Chính sách ưu đãi lãi suất khi doanh nghiệp vay vốn để chuyển đổi sang xe điện cũng rất cần thiết.

Trong khi đó ông Nguyễn Văn Thanh - Đại diện Xanh SM cho rằng, cần có sự ghi nhận cho những cá nhân và doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh để bảo vệ môi trường, đóng góp cho xã hội. Đây cũng là cách để tăng thêm động lực, khuyến khích chuyển từ xe xăng sang xe điện.

Ông Phan Thanh Uy cho biết, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã đề xuất với Bộ TN&MT, sau này sẽ quy định hạn ngạch cho các đơn vị kinh doanh vận tải. Đơn vị nào chạy xăng dầu chạy quá hạn ngạch thì phải bỏ tiền mua tín chỉ carbon, đơn vị ít thì được bán tín chỉ, tiến đến thị trường trao đổi tín chỉ carbon. Tuy nhiên tục phải dễ dàng để giao dịch thuận lợi.

 

Tin liên quan