|
Vấn đề thiếu vật liệu đắp nền tại cao tốc Bắc - Nam vẫn chưa được giải quyết xong. |
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến với đại diện chủ đầu tư và các đơn vị liên quan để đôn đốc tiến độ các dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp.
Bài toán vật liệu đắp nền chưa qua...
Báo cáo về tiến độ các dự án, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cho biết, tới nay, trong 11 đoạn cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020, mới có 1 đoạn đưa vào sử dụng (Cao Bồ - Mai Sơn); các đoạn còn lại chậm tiến độ khoảng 1,4% so với kế hoạch.
Trong đó, 8 đoạn cơ bản đạt tiến độ, chậm tiến độ nhất là đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (đầu tư công), dù đã điều chỉnh tiến độ nhưng vẫn chậm so với hợp đồng gần 8,9%. Tương tự, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (đầu tư BOT) tới nay cũng chậm tiến độ gần 6,8%.
Nguyên nhân chậm tiến độ là do doanh nghiệp dự án (với đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt) hạn chế về năng lực trong công tác quản lý, điều hành; chậm trễ chọn nhà thầu. Bên cạnh đó, phía các nhà thầu chậm huy động nhân sự, máy móc, thiết bị để triển khai thi công.
Một trong những nội dung được quan tâm đặc biệt tại cuộc họp là tình trạng thiếu vật liệu đất đắp nền. Đây là vấn đề mà hầu hết các dự án đang triển khai đều đang phải đối mặt.
Với đất đắp nền đường, sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành từ giữa tháng 2/2022, trong tháng 3 các đơn vị của bộ đã phối hợp với các địa phương giải quyết được 4,16 triệu m3 và đang giải quyết những thủ tục để cung ứng khoảng 8,43 triệu m3 đất đắp còn lại cho 5 dự án thành phần. Đặc biệt, tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết vẫn còn thiếu 2,46 triệu m3 đất đắp nền. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến dự án này bị chạm tiến độ.
Dự án Mai Sơn - QL45 cũng đang thiếu 0,7 triệu m3 đất đắp nền đường; dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo cũng đang thiếu khoảng 2,3 triệu m3 (Ninh Thuận 2 triệu m3 và Bình Thuận 0,3 triệu m3). Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết , hiện các địa phương đang tích cực tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, dự kiến sẽ cơ bản cung cấp đủ nguồn vật liệu đắp nền đường trong tháng 3/2022.
|
Giá vật liệu tăng phi mã đang ảnh hưởng lớn đến các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam. |
... thách thức giá vật liệu tăng đã tới
Trong khi bài toán thiếu vật liệu nền vẫn chưa được giải quyết thì cao tốc Bắc – Nam phía Đông lại đang đối mặt với một thách thức lớn khác, đó chính là tình trạng tăng phi mã của giá vật liệu thi công. Tại nhiều gói thầu, chi phí tăng lên hàng trăm tỷ đồng so với thời điểm ký hợp đồng. Thực tế này khiến nhà thầu nguy cơ thua lỗ, tiến độ dự án bị ảnh hưởng.
Đơn cử như tại đoạn tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết, thuộc giai đoạn 1 (2017 – 2020) dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, vào thời điểm ký hợp đồng gói thầu số 4 dự án, giá thép chỉ 11.531 đồng/kg nhưng hiện nay giá thép đã tăng gấp đôi (lên 20.438 đồng/kg). Giá các loại xi măng, dầu... cũng tăng mạnh theo đang khiến các nhà thầu lao đao, có những gói thầu chênh lệch với thời điểm ký hợp đồng lên tới hơn 47 tỷ đồng.
Đại diện nhà thầu Vinaconex cho biết, tính chung thì tại cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, nhà thầu này ký giá trị hợp đồng hơn 2.080 tỷ đồng, ảnh hưởng của biến động giá vật liệu xây dựng phục vụ thi công công trình tăng khoảng 403 tỷ đồng.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông khác. Đơn cử như tại dự án Mai Sơn - QL45, giá đất đắp tại gói thầu số 10 cũng tăng chóng mặt, từ 79.600 đồng/m3 ở thời điểm bỏ thầu, hiện đã lên 140.000 - 150.000 đồng/m3.
Đại diện nhà thầu cho biết, việc giá xăng dầu tăng khiến cho giá vận chuyển vật liệu cũng tăng theo. Ước tính, sự biến động giá cả hiện nay khiến giá thành thi công gói thầu tăng từ 13 - 15%.
Theo tính toán, trong thi công dự án, nhiên liệu thường chiếm từ 8 - 10% chi phí xây lắp gói thầu; vật liệu chính và vật tư thi công (sắt thép, cát, đá, xi măng, nhựa đường, bê tông, đất đắp...) chiếm khoảng 35 - 45% giá gói thầu.
Căn cứ tỷ trọng trên, tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá nhiên liệu tăng hơn 100%, giá thép tăng từ 20 - 60%; giá cát, đá, nhựa đường, xi măng cũng đồng loạt tăng khiến giá thành gói thầu đã tăng khoảng 12 - 30% (tính trung bình theo từng thời điểm).
“Việc giá cả nhiên liệu tăng nhanh trong khi việc công bố giá và chỉ số giá của địa phương không bù đắp được càng gây khó khăn cho các nhà thầu, Ban QLDA trong việc tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ ở giai đoạn nước rút” – đại diện Ban QLDA6 cho biết.
Điều đáng nói, các dự án đều có xây dựng chi phí chi phí dự phòng cho trượt giá vật liệu được xây dựng nhưng với tình trạng vật liệu tăng phi mã như hiện nay, chi phí dự phòng đó đều đã không còn phù hợp và có nguy cơ không đủ bù đắp.
Trước thực tế trên, các ban QLDA, chủ đầu tư đề xuất Bộ GTVT thực hiện nhiều giải pháp. Trước mắt là kiến nghị Sở Xây dựng các địa phương có cao tốc đi qua sớm công bố giá vật liệu và chỉ số giá xây dựng kịp thời, phù hợp với giá thị trường. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng kiến nghị Bộ GTVT phối hợp cùng Bộ Xây dựng xem xét áp dụng quy định về nội dung xây dựng chỉ số giá riêng cho các gói thầu tại các dự án cao tốc. Về phía Bộ GTVT, cơ quan này cho biết đang tổng hợp báo cáo của chủ đầu tư, Ban QLDA để nắm bắt tình hình và tiếp tục có văn bản báo cáo Chính phủ, kịp thời tháo gỡ khó khăn trên để đảm bảo đúng tiến độ thi công các dự án.
|