Điển hình về tình trạng “tắc nghẽn” giải ngân giải phóng mặt bằng
Một trong những dự án điển hình về tình trạng “tắc nghẽn” trong công tác giải ngân giải phóng mặt bằng (GPMB) chính là cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Đây là đoạn cao tốc chạy qua 2 địa bàn tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.
Nhiều dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang gặp điểm nghẽn về giải ngân GPMB. (Ảnh minh họa)
|
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, hiện đơn vị đã hoàn thành việc bàn giao cọc mốc GPMB của 49,1km tuyến chính và 8km tuyến nối dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm cho tỉnh Khánh Hòa.
Bên cạnh đó, tính đến thời điểm này, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là 3.055 hộ. Trong đó huyện Diên Khánh có tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 429 hộ, hiện đã kiểm kê 429 hộ và phê duyệt phương án bồi thường 310 hộ.
Các địa phương còn lại gồm huyện Cam Lâm có tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 2.066 hộ, đã kiểm kê 1.924 hộ và phê duyệt phương án bồi thường 234 hộ; TP Cam Ranh có tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 560 hộ, đã kiểm kê 479 hộ và phê duyệt phương án bồi thường 133 hộ.
Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thông tin thêm, công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng các khu tái định cư đã và đang được đẩy nhanh để hỗ trợ thúc tiến độ GPMB. Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có 6 khu tái định cư, tất cả các khu tái định cư đều đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, hiện vẫn còn một số công trình đường điện 110KV nằm trong phạm vi dự án thuộc diện phải di dời, trong đó trên địa bàn huyện Diên Khánh có 9 vị trí giao cắt, đang thiết kế lên phương án di dời, huyện Câm Lâm có 34 vị trí giao cắt, đang thiết kế lên phương án di dời.
Tại TP Cam Ranh cũng đang tiến hành rà soát do đoạn nút giao QL27B và đoạn cuối tuyến mới bàn giao cọc GPMB vào ngày 17/3 vừa qua. Những công trình đường nước và viễn thông cũng đang được các địa phương tiến hành thiết kế và rà soát việc di dời, thiết kế lại cho phù hợp.
Mặc dù công tác GPMB đang được các đơn vị liên quan tích cực đẩy nhanh tiến độ nhưng dự án đang gặp vướng mắc lớn liên quan đến vấn đề giải ngân vốn khiến cho công tác GPMB bằng vẫn bị tắc nghẽn. Cụ thể, nếu như trong năm 2019, dự án đã giải ngân được 122,8/123,7 tỷ đồng (đạt 99,3%) cho công tác GPMB thì đến cuối tháng 3/2020 mới giải ngân cho công tác GPMB được 20 tỷ đồng, đạt 5% kế hoạch năm 2020.
Công tác GPMB tại các địa phương còn chậm (Ảnh: Đình Quang)
|
Chính vì giải ngân chậm nên tính đến thời điểm hiện tại, việc bàn giao mặt bằng của tỉnh Khánh Hòa đối với Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm với đạt khoảng 8,4/49,1km. Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, đây chính là một trong những khó khăn lớn cần sớm tháo gỡ bởi nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện dự án.
Để đẩy nhanh công tác giải ngân cho GPMB, vai trò của địa phương là vô cùng quan trọng. Do đó, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa có biện pháp và chỉ đạo các sở ngành, các địa phương liên quan đẩy nhanh công tác áp giá, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường GPMB.
Ngoài ra, địa phương cần khẩn trương trình, thẩm định, phê duyệt phương án di dời các công trình công trình công cộng, khu tái định cư cho Dự án để tăng tốc khâu GPMB cho dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm trong thời gian tới.
Nhiều hệ lụy tới tiến độ dự án
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, việc chậm giải ngân khiến cho công tác GPMB là tình trạng chung của nhiều dự án thành phần thuộc “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Số liệu từ Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho thấy, 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam được phân bổ kế hoạch giải ngân 9.595 tỷ đồng trong năm 2020. Trong đó, phần vốn để giải ngân cho công tác GPMB là 5.729 tỷ đồng.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam (Ảnh: Hữu Việt)
|
Tuy nhiên, tính đến hết tháng 3/2020, 11 dự án cao tốc Bắc - Nam mới giải ngân được 416 tỷ đồng, đạt 4,3%. Riêng giải ngân cho công tác GPMB là 185,5 tỷ đồng, đạt 3,2%. Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân cho công tác GPMB đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam do phụ thuộc nhiều vào tiến độ GPMB của các địa phương.
Còn nguyên nhân khiến tiến độ GPMB của các địa phương bị chậm là bởi đây là công tác liên quan đến nhiều yếu tố như đất ở, tái định cư và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật... Đây là những yếu tố cần nhiều thời gian để thẩm định và phê duyệt.
Một nguyên nhân nữa chính là khung giá đất năm 2019 và năm 2020 tại các địa phương đã có sự điều chỉnh. Điều này kéo theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng phải được phê duyệt điều chỉnh theo khung giá đất mới. Trong khi sự điều chỉnh này mất không ít thời gian.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, bày tỏ lo ngại sự chậm trễ trong công tác GPMB tại các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông như hiện nay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai của các dự án.
“Theo kế hoạch thì các địa phương phải bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho chủ đầu tư trong quý II/2020. Với tốc độ GPMB tại các dự án hiện nay rất khó để đảm bảo tiến độ như đã đề ra” - chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.
Chuyên gia kinh tế phân tích thêm, sự chậm trễ trong công tác GPMB sẽ tác động tiêu cực đến tiến độ các dự án ngay từ công đoạn đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Bởi theo quy định hiện hành, chỉ khi nào các dự án phải có ít nhất 70% mặt bằng sạch, Bộ GTVT mới được đưa ra đấu thầu. Thậm chí đã hoàn thành việc sơ tuyển, lựa chọn những “ứng viên” xong thì cũng không thể thực hiện đấu thầu khi dự án còn vướng công tác GPMB.