Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang thi công ra sao?

QUÝ NGUYỄN
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Với mục tiêu “về đích” trong quý II/2022, cao tốc Cam Lộ - La Sơn về cơ bản đang đảm bảo được tiến độ thi công với 70% sản lượng công việc đã được hoàn thành.

Cao toc Cam Lo - La Son dang thi cong ra sao? - Hinh anh 1
 Cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã đạt được 70% sản lượng. Ảnh: Công Khanh

Tiến độ cơ bản được đảm bảo

Ngày 14/12, đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh làm trưởng đoàn đã có buổi  kiểm tra, thị sát tại dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn tuyến Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ. Đây là dự án thành phần của “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2, từ 2021 – 2025.

Báo cáo với đoàn công tác, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh Nguyễn Vũ Quý cho biết, dự án Cam Lộ - La Sơn đã triển khai đến nay sản lượng đạt trên 70%. Trong đó, các gói thầu XL01, XL02, XL03, XL08, XL09, XL10 và XL11 đã thi công lên tới phần móng và một số đoạn đã thảm bê tông nhựa.

Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đánh giá, với sản lượng công việc đã đạt được, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn về cơ bản đang đáp ứng đúng tiến độ đề ra. Đơn vị đặt mục tiêu phấn đấu sẽ hoàn thành cơ bản dự án vào quý II/2022.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn có tổng chiều dài tuyến khoảng 98km, trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài 37km và đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế dài 61km, gồm 11 gói thầu xây lắp.

Dự án có điểm đầu giao với QL9 (Quảng Trị) và cũng là điểm sẽ “khớp nối” với đoạn tuyến dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ khi được triển khai; điểm cuối nối vào dự án đường cao tốc La Sơn - Túy Loan đoạn qua Thừa Thiên - Huế chuẩn bị đưa vào khai thác.

Về phía địa phương,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến đánh giá, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 là hành lang vận tải quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước. Địa phương cam kết sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để dự án triển khai thực hiện đúng tiến độ và đạt kết quả cao nhất.

Cao toc Cam Lo - La Son dang thi cong ra sao? - Hinh anh 2
Việc thiếu vật liệu đắp nền đang khiến nhiều một số gói thầu tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn bị chậm tiến độ (Ảnh: Nguyên Lý). 

Vẫn thiếu vật liệu đắp nền

Mặc dù đã đạt được 70% sản lượng công việc nhưng cao tốc Cam Lộ - La Sơn vẫn đang gặp phải một vướng mắc lớn, đó là thiếu vật liệu đắp nền. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam trong suốt nhiều năm qua. Lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho hay, hiện cao tốc Cam Lộ - La Sơn còn thiếu khoảng gần 2 triệu m3 đất đắp.  Trong đó, đoạn qua Thừa Thiên - Huế còn thiếu khoảng 500 nghìn m3 đất đắp.

Việc thiếu vật liệu đắp nền đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công của nhiều gói thầu tại dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Đặc biệt là tại 2 gói XL05, XL06 đoạn qua Thừa Thiên - Huế hiện tiến độ đang chậm hơn các gói thầu khác.

Điều đáng nói là trước khi dự án này thi công, trong giai đoạn khảo sát thiết kế vẫn khẳng định đủ nguồn đất để phục vụ dự án. Tuy nhiên, ngay sau đó, vấn đề thiếu vật liệu nền đã xuất hiện. Đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ấu thầu và triển khai thi công dự án Cam Lộ - La Sơn thì trên địa bàn có một số dự án khác triển khai nên nguồn đất đắp thiếu so với dự kiến ban đầu.

Để giải quyết vấn đề trên, trong thời gian qua, Bộ GTVT và Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã tích cực làm việc với địa phương để đề nghị được ưu tiên nguồn đất đắp cho dự án. Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chủ trương rút ngắn thủ tục theo quy định để mở rộng mỏ đất và đang tập trung phần thủ tục. Đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, theo dự kiến khoảng hết tháng 12/2021 đầu tháng 1/2022 sẽ có đủ đất để cung cấp cho toàn bộ dự án.

Trong cuộc họp trực tuyến với các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Quảng Trị về việc chuẩn bị báo cáo thẩm tra dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 để trình Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị những địa phương này nghiên cứu về dự án quan trọng này để có sự phối hợp chặt chẽ với Trung ương trong việc triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ; căn cứ trên cơ sở tình hình thực tế đưa ra những ý kiến đóng góp phù hợp để quá trình triển khai thực hiện đúng tiến độ đề ra; phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong việc tổ chức tốt công tác GPMB, bố trí tái định cư cho các hộ dân diện giải tỏa đến nơi ở mới được tốt, sớm an cư, lạc nghiệp...


Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h