Các chuyên gia cho rằng, nếu không có phương án tháo gỡ, khả năng về đích đúng hạn của dự án quan trọng này sẽ khó đảm bảo.
Động thái cứng rắn của Bộ GTVT
Trong cuộc họp kiểm điểm tiến độ thu phí không dừng vừa qua, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) Nguyễn Văn Huyện cho biết, tiến độ triển khai dự án thu phí không dừng đang gặp khó. Đến hết 30/6, dù đã nỗ lực đàm phán với 44 nhà đầu tư, song TCĐB chỉ ký phụ lục hợp đồng được với nhà đầu tư của 8 trạm BOT.
|
Trạm thu phí không dừng trên Quốc lộ 1. Ảnh: Việt Dũng |
Nhiều nhà đầu tư cố tình không ký, lấy lý do ngân hàng tài trợ vốn không đồng ý, nhưng thực chất là bản thân những nhà đầu tư này không muốn ký. Tiêu biểu nhất là nhà đầu tư của dự án BOT Hà Nội – Bắc Giang. Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tái khẳng định, quyết tâm thực hiện xong dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 trong năm 2019 và những dự án nào không đảm bảo đúng tiến độ sẽ lập tức dừng thu phí.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 đã thực hiện đúng tiến độ theo chỉ đạo của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số vướng mắc, nếu Bộ GTVT không quyết liệt sẽ khó đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Người đứng đầu ngành GTVT yêu cầu giám sát đặc biệt đối với nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng. Trong trường hợp phát hiện nguy cơ khiến dự án chậm tiến độ phải có giải pháp xử lý ngay, không có chuyện Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho kéo dài thời gian thu phí thủ công. "Do đó, nhà đầu tư nào cố tình kéo dài thời gian nhằm chậm ký phụ lục cũng sẽ bị dừng thu phí ngay lập tức" - Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.
Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông khẳng định, việc triển khai thu phí không dừng có ý nghĩa rất quan trọng đối với các dự án BOT giao thông ở Việt Nam. “Thu phí tự động sẽ giúp hạn chế gian lận trong thu phí, tránh thất thoát phí đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch trong thu phí. Đây là điều cả xã hội đều trông đợi” – ông Đức nói.
Làn sóng phản ứng của người dân đối với những dự án BOT giao thông trong thời gian qua một phần do những bất cập đang tồn tại chưa giải quyết thấu đáo, phần khác do người dân cảm thấy thiếu tin tưởng nên đòi hỏi sự công khai, minh bạch.
Theo TS Nguyễn Hữu Đức, để công tác triển khai dự án thu phí không dừng thuận lợi, đảm bảo tiến độ, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan còn rất nhiều việc phải giải quyết. Đầu tiên là tình trạng các chủ phương tiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt để mua vé qua trạm BOT trong khi việc triển khai thanh toán, nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa được thuận tiện. “Cái chính là phải giúp chủ phương tiện nhìn thấy rõ lợi ích của họ sẽ lớn hơn khi dùng tài khoản thanh toán thay vì dùng tiền mặt. Khi đó tự khắc họ sẽ tìm đến với thu phí không dừng” – ông Đức phân tích.
Ở một góc nhìn khác, GS.TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên cao cấp tại trường Đại học GTVT cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến dự án thu phí không dừng ở Việt Nam chậm tiến độ hơn so với dự kiến là do sự chây ỳ đến từ các nhà đầu tư BOT. Các nhà đầu tư có tâm lý sợ công khai, minh bạch nên tìm cách kéo dài thời gian thu phí thủ công. Đây là rào cản lớn nhất đối với thu phí không dừng chứ không phải do công nghệ hay vốn đầu tư.
“Tôi nghĩ đến lúc cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của nhiều phía, từ khâu cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, hệ thống thiết bị, dịch vụ vận hành... thì dự án mới triển khai trơn tru, đúng tiến độ được” – ông Sùa nhận định.
"Muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động, Bộ GTVT chỉ cần yêu cầu trạm thu phí nào khánh thành, muốn hoạt động phải thực hiện thu phí tự động. Với những trạm thu phí đang hoạt động sẽ có thời gian để triển khai, sau đó không thực hiện sẽ phải dừng thu. Chỉ cần quy định vậy sẽ chẳng nhà đầu tư nào dám trốn tránh. " - PGS.TS Phạm Xuân Mai - nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh
Giai đoạn 1 của dự án thu phí không dừng có tổng số 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án. Các trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã lắp đặt và vận hành thương mại theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.