Chật chội, chen chúc làm xe buýt kém hấp dẫn

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Thiếu hạ tầng dành riêng từ bến bãi đến đường phố, xe buýt khó có thể nâng cao chất lượng, thu hút hành khách. Tất cả các đơn vị vận hành xe buýt của Hà Nội đều cho rằng, tiên quyết phải có hạ tầng dành riêng.

Chưa đạt kỳ vọng

Tại Hội nghị “Cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội” diễn ra chiều ngày 27/2, ông Thái Hồ Phương – Phó Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cho biết: “Tính đến hết năm 2022, mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TP gồm 154 tuyến (trong đó: 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 02 tuyến City tour). Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 512/579 số xã, phường thị trấn, đạt 88,4%, 65/75 bệnh viện đạt 87%, 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 67%, 27/27 các khu công nghiệp lớn đạt 100%, 33/37 các khu đô thị đạt 89,2%, 23/24 làng nghề đạt 95,8%, 23/25 khu di tích lịch sử văn hoá khu du lịch đạt 92%, kết nối với 7 tỉnh thành lân cận.

Ngoài ra, sản lượng VTHKCC bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách (tăng 67,7% so với cùng kỳ 2021), trong đó buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt hk, tăng 72% so với thực hiện cùng kỳ 2021”.

Chat choi, chen chuc lam xe buyt kem hap dan - Hinh anh 1
Quang Cảnh Hội nghị “Cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội”.

Theo ông Thái Hồ Phương, năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của xe buýt tiếp tục được cải thiện, mạng lưới tiếp tục được tăng cường, mở rộng với việc đưa vào hoạt động thêm 11 tuyến buýt mở mới, mở rộng vùng phục vụ thêm 2 xã (Duyên Thái (Thường Tín) và Phú Sơn (Ba Vì); đầu tư và thay mới 217 xe buýt đối với 25 tuyến, đưa thêm 97 xe buýt điện và 37 xe buýt CNG vào hoạt động nâng tổng số xe buýt sử dụng năng lượng sạch lên 276 xe (chiếm 13,6%).

Phó Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng cho rằng, sản lượng VTHKCC bằng xe buýt năm 2022 bước đầu đã có dấu hiệu phục hồi (tăng 67,7% so với thực hiện năm 2021) sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, ông Thái Hồ Phương cho biết, vẫn còn những khó khăn như: Sản lượng VTHKCC bằng xe buýt chưa đạt được như kỳ vọng dẫn đến chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển HKCC năm 2022 chỉ đạt 18,5%. Không đạt được so với kế hoạch đề ra là từ 21,5 - 23%. Chất lượng dịch vụ xe buýt chưa được đảm bảo, chưa đủ hấp hẫn với số đông hành khách; hoạt động của xe buýt vẫn thường xuyên chịu ảnh hưởng do tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt trong khung giờ cao điểm…

Bên cạnh đó, vẫn còn một số ít các phương tiện hiện đã cũ, chất lượng thấp chưa thật sự hấp dẫn đối với hành khách đi xe buýt. Hạ tầng phục vụ cho xe buýt vẫn còn thiếu và chưa đảm bảo theo quy hoạch. Điều kiện hạ tầng giao thông phục vụ cho việc tiếp cận của hành khách đối với xe buýt còn chưa được đảm bảo.

Chat choi, chen chuc lam xe buyt kem hap dan - Hinh anh 2
 Ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Trước thực tế đó, ông Thái Hồ Phương cho rằng, để nâng cao sản lượng hành khách công cộng bằng xe buýt, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau như: Tổ chức làn đường dành riêng cho xe buýt, đầu tư hệ thống điểm trung chuyển, đầu tư hệ thống vé điện tử, hệ thống giao thông thông minh,…

“Về vấn đề luồng tuyến xe buýt, cần sớm triển khai việc thuê đơn vị tư vấn đánh giá tổng thể hiệu quả mạng lưới các tuyến xe buýt làm cơ sở đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ và sản lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố hiện đã được UBND TP chấp thuận về chủ trương” – ông Thái Hồ Phương nói.

Chat choi, chen chuc lam xe buyt kem hap dan - Hinh anh 3
Ông Thái Hồ Phương – Phó Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội báo cáo tình hình hoạt động của xe buýt trên địa bàn.

Thiếu hạ tầng

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thủy - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho rằng: “Sau dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp khó khăn về lao động cũng như chất lượng lao động. Chúng tôi đang tập trung triển khai đào tạo chuyên đề cho lao động nhất là lái xe và phụ xe. Chúng tôi cũng xác định chất lượng phương tiện là hết sức quan trọng và đang được tập trung cải thiện”.

Chat choi, chen chuc lam xe buyt kem hap dan - Hinh anh 4
 Ông Nguyễn Thủy - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Thủy cho rằng, hạ tầng xe buýt cũng là yếu tố hết sức quan trọng gây ảnh hưởng đến sản lượng xe buýt, cần có lực lượng liên ngành để đảm bảo điểm dừng đỗ để khách tiếp cận an toàn, thuận tiện hơn. Hiện nay, ùn tắc giao thông là không thể tránh khỏi, đây đang là nguyên nhân lớn khiến người dân quay lưng với xe buýt.

Ông Nguyễn Công Nhật - Giám đốc điều hành VinBus cho biết, bên cạnh việc tăng quy mô thì sản lượng hành khách phải tăng tương xứng việc điều chỉnh mạng không chỉ tăng độ phủ mà cần đong đếm được nhu cầu của hành khách mà có những điều chỉnh cho phù hợp. 

Ông Đào Việt Dũng - Phó Giám đốc Công ty CP xe điện cho biết: “Chúng tôi đang thiếu khoảng 20% nhân lực. Đơn vị vẫn tồn tại một số trường hợp vi phạm về chất lượng dịch vụ, mặc dù thường xuyên được đào tạo và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Tuyến xe buýt 27 có lượng hành khách đông và nhiều ý kiến trái chiều, tuyến đường tùn tắc gây áp lực đối với lái xe khiến chất lượng dịch vụ tuyến không được đảm bảo. Thời gian tới, công ty sẽ có những thay đổi để nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt”.

Chat choi, chen chuc lam xe buyt kem hap dan - Hinh anh 5
 Ông Nguyễn Công Nhật - Giám đốc điều hành VinBus trình bày những khó khăn và thách thức mà xe buýt đang gặp phải.

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho rằng, qua 2 năm Covid-19, ngành VTHKCC rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Sau thời gian vận hành trở lại vào năm 2022, những tín hiệu cho thấy có những tăng trưởng mạnh so với năm 2021 là 72% nhưng chỉ đạt hơn 60% so với trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Đáng lo ngại hơn nữa khi phương tiện cá nhân tại Hà Nội tăng đột biến trong thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Phi Thường, trong năm 2022, đa số các doanh nghiệp VTHKCC bằng xe buýt gặp khó khăn, có những doanh nghiệp không trụ được nữa.

Ông Nguyễn Phi Thường cho rằng, sản lượng là vấn đề sống còn của VTHKCC bằng xe buýt. Doanh nghiệp cũng cần xác định tăng sản lượng là trách nhiệm, không ỷ lại, không trông chờ vào cơ quan quản lý Nhà nước. Những tồn tại, hạn chế càng ngày càng khó giải quyết nếu doanh nghiệp không vận động, không vào cuộc sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Sở GTVT TP rất chia sẻ với những khó khăn với các doanh nghiệp xe buýt trên địa bàn. Trên cơ sở báo cáo đề xuất Sở GTVT TP Hà Nội sẽ xem xét, hết sức giúp đỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện thuận lợi nhất.

Ông Nguyễn Phi Thường cho biết: “Thời gian tới, cần rà soát, đánh giá hiệu quả từng tuyến và tái cấu trúc từng tuyến và kết hợp với đường sắt đô thị để hoạt động hiệu quả nhất. Bắt buộc phải điều chỉnh, thậm chí dừng hoạt động những tuyến xe buýt không hiệu quả. Bất kể doanh nghiệp nào không đưa mục tiêu tăng sản lượng lên hàng đầu sẽ rất khó tồn tại, đây là yếu tố sống còn”. 

 

 

Tin liên quan