Chính thức khánh thành cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Sáng nay (19/5), hàng ngàn người dân đã đổ về phía đường dẫn 2 bên cầu để được tận mắt chứng kiến thời điểm lịch sử khánh thành cầu Vàm Cống ngang đôi bờ sông Hậu.

Chinh thuc khanh thanh cau Vam Cong bac qua song Hau - Hinh anh 1
Đúng 9h50, nghi thức cắt băng khánh thành chính thức được diễn ra.

Hòa chung niềm vui ngày cầu Vàm Cống chính thức thông xe, nhiều người dân háo hức đổ về để tận mắt chứng kiến thời điểm thông cầu. Bà Nguyễn Thị Bé (Đồng Tháp) cho biết, sau 6 năm thi công ròng rã thì cuối cùng cầu đã được thông xe.

"Có Cầu Vàm Cống việc buôn bán, giao thông qua lại nhất định sẽ thuận tiện hơn trước, đây đúng là giấc mơ đã thành sự thật của người dân Đồng bằng sông Cửu Long chúng tôi", bà Bé phấn khởi.

Người già, người trẻ, con nít... từ khắp các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long... cũng tập trung về đường dẫn cầu Vàm Cống để chụp ảnh kỷ niệm trong ngày đầu thông xe.

Khoảng 9 giờ 50 phút, nghi thức cắt băng khánh thành cầu Vàm Cống chính thức diễn ra. Ngay sau đó, đoàn xe của các đại biểu tham dự lễ khánh thành bắt đầu lưu thông qua cầu Vàm Cống.

Chinh thuc khanh thanh cau Vam Cong bac qua song Hau - Hinh anh 2
Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu chính thức khánh thành.

Cầu Vàm Cống có tổng chiều dài gần 3km, rộng 24,5m bao gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ và 2 làn đi bộ, nối liền huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ). Công trình được thực hiện từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc 200 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Cầu Vàm Cống thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông, do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 11/2013. Sau khi khắc phục sự cố trong quá trình thi công, cầu Vàm Cống được xác định là đảm bảo yêu cầu chất lượng, an toàn kết cấu, đủ điều kiện đưa vào khai thác sử dụng.

Cầu Vàm Cống là cây cầu dây văng thứ 2 bắc qua sông Hậu, sau cầu Cần Thơ. Cây cầu này cùng với đường dẫn, kết hợp với cầu Cao Lãnh đã khánh thành từ một năm trước và tuyến đường nối cầu Cao Lãnh với cầu Vàm Cống sẽ giúp giảm áp lực giao thông cho tuyến Quốc lộ 1A vốn thường xuyên xảy ra kẹt xe vào những dịp cao điểm lễ Tết. 

Chinh thuc khanh thanh cau Vam Cong bac qua song Hau - Hinh anh 3
Đoàn xe đầu tiên tiến lên nhịp chính của cầu Vàm Cống.

Tuy đây không phải là cây cầu dây văng đầu tiên bắc qua sông Hậu nhưng cầu Vàm Cống có vị trí quan trọng khi nối Đồng Tháp với vùng đất Tây Đô. Do đó, thời khắc khánh thành công trình này được người dân mong chờ hơn bao giờ hết.

Cầu Vàm Cống cũng được kỳ vọng là sẽ góp phần quan trọng để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Người dân ở An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ và Kiên Giang sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ cây cầu này, do thời gian di chuyển cũng như đưa hàng hóa từ các địa phương về TP Hồ Chí Minh và ngược lại sẽ được rút ngắn so với trước.

Ngày cầu Vàm Cống khánh thành cũng là ngày khép lại sứ mệnh lịch sử trăm năm của phà Vàm Cống, nhưng sẽ mở ra những cơ hội mới để vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển hơn.

Tiểu Thúy

Tin liên quan