Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ: Đà Nẵng vẫn giữ nguyên quan điểm xây cảng Liên Chiểu

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, Đà Nẵng vẫn giữ nguyên quan điểm triển khai cảng Liên Chiểu, cảng Tiên Sa sẽ dành sử dụng như cảng du lịch, bến du thuyền, cảng quân sự.

Thống nhất làm cảng Liên Chiểu

Sáng 19/11, Đoàn Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri quận Thanh Khê nhằm chuẩn bị cho kỳ họp cuối năm. Tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ sự quan tâm đến chủ trương xây cảng Liên Chiểu của Đà Nẵng. Sở dĩ cử tri quan tâm là bởi vừa rồi có nhiều tranh luận xung quanh đề xuất từ đơn vị tư vấn Singapore là nên phát triển cảng Tiên Sa, không xây cảng Liên Chiểu.

Chu tich Huynh Duc Tho: Da Nang van giu nguyen quan diem xay cang Lien Chieu - Hinh anh 1
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ khẳng định Đà Nẵng vẫn triển khai xây cảng Liên Chiểu.

Trả lời cử tri, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết, Đà Nẵng trước đây phát triển gần như chỉ có quy hoạch cục bộ, bây giờ nhờ một đơn vị tư vấn kết hợp để làm lại không gian tổng thể phát triển TP. Theo đó, Đà Nẵng ký hợp đồng với đơn vị tư vấn Singapore là Surbana Jurong để làm quy hoạch chung. “Năm 2019 này, đơn vị tư vấn xong đồ án quy hoạch chung trình cho Đà Nẵng, sau đó TP trình Thủ tướng phê duyệt. Sau này, bất cứ thời kỳ nào cũng căn cứ vào đó mà làm”, ông Thơ cho hay.

Liên quan đến cảng Liên Chiểu, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ thông tin: Đơn vị tư vấn Surbana Jurong cho rằng hiện nay lượng hàng hóa xuất khẩu thông qua cảng của cả nước chủ yếu là TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng; còn lại khu vực miền Trung lượng hàng hóa không bao nhiêu. Tuy nhiên, miền Trung lại rất nhiều cảng, nên đề nghị Đà Nẵng giữ cảng Tiên Sa, nâng cấp, mở rộng, làm đường vận chuyển trên không băng qua Vân Đồn, qua Đống Đa rồi kết nối với cao tốc. Đồng thời giữ lại vùng Liên Chiểu để phát triển tài nguyên về du lịch, về dịch vụ.

Chu tich Huynh Duc Tho: Da Nang van giu nguyen quan diem xay cang Lien Chieu - Hinh anh 2
Đà Nẵng đã thống nhất triển khai xây dựng Cảng Liên Chiểu.
“Sau đề nghị này, qua nhiều hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia thì chúng ta khẳng định rằng cảng Liên Chiểu đã được nghiên cứu nhiều năm và đã có trong Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị từ năm 2003, nhưng chưa có điều kiện triển khai. Hiện nay, về mặt thủ tục cảng Liên Chiểu đã được HĐND thông qua, đã được Chính phủ đồng ý trình cho dự án để đưa vào bố trí vốn, và chuẩn bị bố trí vốn trong trung hạn 2015-2020 nhằm chuẩn bị triển khai đầu tư”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết thêm.

Về câu hỏi Đà Nẵng xây hay không xây cảng Liên Chiểu, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ khẳng định: “Chúng ta vẫn giữ quan điểm triển khai cảng Liên Chiểu. Tư vấn đã thống nhất. Cảng Tiên Sa sẽ dành sử dụng như cảng du lịch, bến du thuyền, cảng quân sự. Trong thời gian chưa có cảng Liên Chiểu thì cảng Tiên Sa vẫn khai thác bình thường. Chúng ta cần có những biện pháp quản lý để đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại đây. Vì vậy, đây không còn là vấn đề tranh cãi nữa trong nhân dân”.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ thông tin thêm: UBND TP đã báo cáo Thường vụ Thành ủy thông qua những ý chính của khâu quy hoạch chung TP. Thường vụ đã thống nhất là tiếp tục triển khai cảng Liên Chiểu.

Không làm cảng Liên Chiểu là quá uổng (!?)

Đề xuất thiên về phương án phát triển cảng Tiên Sa, không xây cảng Liên Chiểu của tư vấn Singapore đã nhận phải nhiều ý kiến phản đối của chuyên gia tại hội thảo phản biện đồ án quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Ông Nguyễn Hữu Sia - nguyên Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng nói, cảng Tiên Sa do người Mỹ xây dựng khoảng vào năm 1965, đến bây giờ sứ mệnh đã xong rồi. “Không làm cảng Liên Chiểu là quá uổng! Tư vấn Nhật Bản đã thiết kế một Hành lang kinh tế Đông Tây, đã trao trong tay Đà Nẵng điểm cuối hành lang nhưng bây giờ bỏ thì đây là vấn đề mà TP phải xem lại”, ông Sia thắng thắn.

Chu tich Huynh Duc Tho: Da Nang van giu nguyen quan diem xay cang Lien Chieu - Hinh anh 3
Cảng Tiên Sa sau này chỉ dành làm cảng du lịch, bến du thuyền, cảng quân sự.

“Tóm lại nên khởi công cảng Liên Chiểu ngay từ bây giờ, để đến năm 2025 có thể chuyển hàng từ cảng Tiên Sa. Từ nay đến 2025 cảng Tiên Sa nên giữ sản lượng và nên chốt hàng container, hạn chế hàng tổng hợp kết hợp tàu khách để trở thành một cảng xanh, còn lại để cho cảng Liên Chiểu”, ông Sia bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, ông Lê Tấn Đạt - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng công trình Hàng Hải, bày tỏ quan ngại về quốc phòng, an ninh khi phát triển cảng Tiên Sa. Theo ông Đạt, phương án phát triển cảng Tiên Sa gồm 14 bến, tổng chiều dài khoảng 5,8km đường bờ thì toàn bộ phạm vi này bao trùm vùng đất, vùng nước quốc phòng hiện là căn cứ của Vùng 3 Hải quân, của Kiểm ngư, của Công ty Sông Thu, Trung Tâm ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung, âu thuyền và cảng cá Thọ Quang…

“Với quy mô đề xuất trên, trong trường hợp ưu tiên dành toàn bộ 5,8km đường bờ này để phát triển cảng hàng hóa thì mới đáp ứng được hàng thông quan vào khoảng 27,9 triệu tấn đến năm 2030 như dự báo. Như vậy, tôi quan ngại quy mô cảng này không đáp ứng được mục tiêu về đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo, an ninh năng lượng, trật tự an toàn xã hội, du lịch…”, ông Đạt quan ngại.

Có 20 năm làm việc ở cảng Tiên Sa, ông Nguyễn Minh Quý - Chuyên gia Cảng biển chia sẻ: Điểm yếu chết người của cảng Tiên Sa là vào mùa mưa sa bồi tại cảng rất lớn, bùn rất loảng. Vì thế, nếu nâng cấp cảng Tiên Sa thì đây là yếu tố kỹ thuật không thể bỏ qua.

Theo đơn vị tư vấn Surbana Jurong, cảng Tiên Sa có vị trí tốt hơn vì nằm dưới chân bán đảo Sơn Trà, tránh làm hỏng môi trường của vịnh Đà Nẵng. Nếu phát triển cảng Liên Chiểu, chuyên gia Singapore cho rằng cảng Liên Chiểu trở thành cảng chính cho hàng hóa và Logistics; còn cảng Tiên Sa sẽ bổ sung cho cảng Liên Chiểu cho logistics, chủ yếu cho du lịch.

Nếu phát triển cảng Liên Chiểu sẽ tác động tiềm năng trên vịnh Đà Nẵng vì việc đầu tư xây dựng sẽ phải nạo vét, khơi thông luồng, xây dựng đê chắn sóng… Các hoạt động này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của các loài động vật thủy sinh, nguy cơ làm suy giảm đa dạng sinh học, mất nguồn lợi khai thác, nuôi trồng thủy hải sản. Bên cạnh đó là gia tăng nguy cơ ô nhiễm do trong quá trình hoạt động nếu xảy ra sự cố tràn dầu, phát tán chất thải vào nguồn nước sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm vùng vịnh Đà Nẵng, ngược lên phía thượng nguồn sông Cu Đê, Hòa Bắc, Hòa Ninh.

Một lo ngại khác theo tư vấn Singapore là tác động đến hoạt động du lịch vì việc hình thành cảng Liên Chiểu sẽ kéo một lượng lớn tàu thuyền ra vào khu vực, các phương tiện vận chuyển hàng hóa đến và đi, các khu hậu cần phục vụ cảng… Điều này có thể gây ra những tác động xấu về du lịch khu vực này.

Quang Hải

Tin liên quan