|
Cầu vượt nút giao Nguyễn Khoái - Ô Đông Mác. Ảnh: Hải Linh |
Đòn bẩy cho hạ tầng
Với nội dung “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại giai đoạn 2016 - 2020”, Chương trình số 06 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã thực sự trở thành nguồn lực chính sách đối với sự phát triển hạ tầng của Thủ đô, trong đó có lĩnh vực GTVT.
Trong đó, đặc biệt là tháo gỡ chính sách nhằm thu hút đầu tư xã hội hóa vào lĩnh vực giao thông. Kết quả là hàng chục nghìn tỷ đồng vốn ngoài ngân sách đã được đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Nguồn lực đầu tư lại được sử dụng hợp lý, tiết kiệm cho danh mục dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó có 38 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng đô thị (16 dự án đầu từ ngân sách TP, 22 đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP).
Lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội nhận định, nhiều dự án đến nay đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, phát huy tốt hiệu quả đầu tư được dư luận Nhân dân đánh giá cao, đem lại diện mạo mới cho TP và giải quyết những vấn đề cấp bách về giao thông.
Cùng với các công trình, dự án đã đưa vào sử dụng, hàng loạt dự án khác đã hoàn thiện hoặc đang tiếp tục được triển khai như: Vành đai 3 dưới thấp, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; Vành đai 1; trục phía Tây TP; tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, dự kiến vận hành đưa vào khai thác đoạn trên cao trong năm 2021; Vành đai 2, đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở… Những dự án này không chỉ góp phần giải quyết UTGT mà còn tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội; cho thấy sự đúng đắn trong chủ trương kêu gọi nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Định hướng vận tải
Bên cạnh hạ tầng, một trong những mục tiêu quan trọng mà Chương trình 06 đề ra là hoàn thiện mạng lưới vận tải của Thủ đô Hà Nội. Về vận tải hành khách công cộng, đến nay mạng lưới xe buýt đáp ứng được khoảng 16,08% nhu cầu đi lại của Nhân dân. TP có 122 tuyến xe buýt, bảo đảm bao phủ toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã. Trong đó 4 huyện xa là Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức và Thanh Oai, người dân được trợ giá (với quãng đường từ 30 - 60km cũng chỉ mất 8.000 đồng/lượt).
Với Thủ đô Hà Nội, chỉ một thay đổi nhỏ về chính sách cũng sẽ tác động lớn đến sự vận hành của xã hội và tạo nên những ý kiến nhiều chiều. Để có thể hoàn thành các mục tiêu của Chương trình 06, Đảng bộ, chính quyền TP, BCĐ, các sở ngành liên quan phải chịu rất nhiều áp lực. Câu chuyện điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, cơ cấu lại hoạt động của các bến xe: Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa… không để xe khách chạy xuyên tâm là một ví dụ. Nhờ có sự chỉ đạo nhất quán, sát sao của Thành uỷ, HĐND, UBND TP, sự kiên trì, bền bỉ của các sở, ngành, quận, huyện. thị xã, việc điều chuyển đã hoàn thành và dần đi vào quỹ đạo ổn định. Không còn xe khách chạy xuyên tâm, khu vực trung tâm TP, đặc biệt là trục Vành đai 3 đã giảm hẳn UTGT, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân Thủ đô.
Theo Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành, Chương trình 06 đã và đang đặt nền móng vững chắc, là kim chỉ nam cho công cuộc phát triển hạ tầng đô thị của Hà Nội. Cũng theo ông Thành, mặc dù công việc còn nhiều, khó khăn còn tiếp diễn, nhưng chắc chắn với cách làm bài bản, nhất quán, những năm tới, Hà Nội sẽ tiếp tục có những đột phá nổi bật hơn trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, đặc biệt với GTVT.
Cầu vượt nút giao Nguyễn Khoái - Ô Đống Mác (Đống Đa); Cầu vượt nút giao Cổ Linh và đường dẫn đầu cầu Vĩnh Tuy (Long Biên); Cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên (Hoàn Kiếm, Ba Đình)... Cả 3 dự án này đều thuộc nhóm 8 công trình giao thông cấp bách của Hà Nội. Từ khi thông xe, các cầu vượt này đã góp phần quyết định, giảm UTGT, kết nối thuận lợi giữa trung tâm TP với các cửa ngõ, đặc biệt là Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài.