Chương trình 06-Ctr/TU: Thêm hạ tầng, tăng quỹ đất trong phát triển giao thông

 
Chia sẻ

Cùng với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, ngành GTVT Thủ đô đã tổ chức khởi công, hoàn thành nhiều dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng phục vụ kết nối giao thông với các tỉnh lân cận, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông khung của khu vực đô thị trung tâm, giải quyết bức xúc dân sinh, giảm ùn tắc giao thông.

Chuong trinh 06-Ctr/TU: Them ha tang, tang quy dat trong phat trien giao thong - Hinh anh 1
 

Vừa qua, Báo Hànộimới phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chung tay xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại” nhằm nhìn lại những kết quả của Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đối với sự phát triển của Thủ đô.

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những nội dung được nhiều độc giả quan tâm. Độc giả băn khoăn về kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.

Giải đáp vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết, về các kết quả trong quá trình triển khai thực hiện, một trong các nhiệm vụ quan trọng liên quan đến ngành giao thông vận tải trong quá trình tổ chức triển khai Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đó là tổ chức thực hiện hoàn thành chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2020 đạt từ 10-13%.

Cùng với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, ngành GTVT Thủ đô đã tổ chức khởi công, hoàn thành nhiều dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng phục vụ kết nối giao thông với các tỉnh lân cận, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông khung của khu vực đô thị trung tâm, giải quyết bức xúc dân sinh, giảm ùn tắc giao thông.

Trong đó, nổi bật là việc hoàn thành 5 tuyến đường giao thông liên vùng kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận, 6 dự án công trình giao thông trọng điểm, 12 công trình cầu yếu vượt sông phục vụ an sinh xã hội, lắp đặt mới 35 nút đèn tín hiệu giao thông, nhóm các công trình cầu vượt tại các nút giao thông quan trọng như nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, An Dương - đường Thanh Niên, Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; một số đoạn tuyến của đường vành đai 2,5 và 3,5…

Nhiều bãi đỗ xe có quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao cũng đã được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng như bãi đỗ xe cao tầng (Trần Nhật Duật, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Công Hoan), bãi đỗ xe ngầm Mễ Trì… Khởi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các công trình thuộc danh mục các công trình trọng điểm, quan trọng, hạ tầng giao thông khung trên địa bàn thành phố như: Tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn – ga Hà Nội), đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở…

Ngành giao thông vận tải cũng đang hoàn thiện thủ tục, chuẩn bị đủ các điều kiện để chuẩn bị khởi công cuối năm 2020 và những năm tiếp theo các đoạn tuyến còn lại của đường vành đai 1, vành đai 2,5 và vành đai 3,5; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; cầu qua sông Cầu (kết nối với Bắc Ninh)…

Kết quả đạt được như trên được thể hiện rõ nét thông qua chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị đến hết năm 2020 đạt khoảng 10,05% (hết năm 2015 chỉ tiêu này mới chỉ đạt 8,65%) và tăng trưởng trung bình hằng năm đạt tỷ lệ 0,3%.

Bên cạnh đó, việc phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Thủ đô cũng dành được nhiều kết quả tích cực. Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được quan tâm đầu tư, mạng lưới được mở rộng, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Giai đoạn 2015-2020 đã mở mới được 28 tuyến buýt, sản lượng vận chuyển và tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại bằng xe buýt hằng năm đều tăng bình quân 49,25 triệu lượt.

Về công tác xây dựng hoàn thiện các quy hoạch ngành, Sở đã hoàn thành phê duyệt và công bố đồ án quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; được HĐND thành phố thông qua đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phối hợp với Bộ GTVT tham gia các đồ án quy hoạch chuyên ngành….; tham mưu cho UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành các nghị quyết quan trọng, làm cơ sở để triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển GTVT Thủ đô một cách bền vững…

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Chương trình 06-Ctr/TU là một thành công lớn, đưa vào thành tích chung của các đơn vị xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn và hoàn thành chỉ tiêu thành phố đã đặt ra.

An Nhiên

Tin liên quan