Chụp ảnh trên đường gây cản trở giao thông, có thể bị xử phạt

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Ngày nay, việc chụp ảnh và chia sẻ trên mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, xu hướng này đang gây ra nhiều vấn đề đáng lo ngại về trật tự, an toàn giao thông.

Chup anh tren duong gay can tro giao thong, co the bi xu phat - Hinh anh 1
Nhiều người đổ xô chụp ảnh tại khu vực phía trước tòa nhà "Hàm cá mập" làm giao thông khu vực này ùn tắc. Ảnh: M.D

Chụp ảnh selfie cản trở giao thông

Gần đây, hàng loạt người dân đổ xô đến tòa nhà "Hàm cá mập" tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, chụp ảnh check-in sau khi có thông tin công trình này sẽ bị phá dỡ để cải tạo quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục. Mỗi ngày, không phân biệt sáng tối, hàng nghìn người dân từ thanh thiếu niên đến trung niên tụ tập tại đây để lưu giữ khoảnh khắc cuối cùng với công trình mang tính biểu tượng này. Nhiều bạn trẻ còn chuẩn bị trang phục cá tính, mang theo đạo cụ như cờ, nón lá để có được những bức ảnh đặc biệt theo phong cách riêng.

Đáng chú ý, đa số người dân chọn chụp ảnh ngay tại lòng đường phía trước tòa nhà, trong khi khu vực này không cấm các phương tiện lưu thông vào ngày thường. Khu vực đài phun nước tại giao lộ phố Lê Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng không chỉ trở thành điểm đứng chụp ảnh mà còn biến thành bãi đỗ xe máy của những người đến check-in. Theo ghi nhận, bất chấp sự hiện diện của lực lượng chức năng, nhiều người vẫn cắt ngang dòng phương tiện đang di chuyển, thậm chí đứng chắn đầu xe chỉ để có được vài tấm hình ưng ý. Hành động này đã gây ra tình trạng ùn tắc, hỗn loạn giao thông tại khu vực trung tâm TP.

Không chỉ tại tòa nhà "Hàm cá mập", hiện tượng tương tự cũng từng xảy ra vào năm 2022 với hàng cây bàng lá nhỏ tại đường Bưởi, đoạn bờ sông Tô Lịch. Sau đó, hàng cây bàng lá nhỏ xanh mướt trải dài tại lối dẫn từ Quốc lộ 5 lên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang lại trở thành "điểm nóng" mới thu hút người dân đến chụp ảnh check-in, đặc biệt vào các ngày cuối tuần. Mối nguy hiểm tại khu vực này còn nghiêm trọng hơn khi đây là đoạn dốc dẫn lên cao tốc, nơi các phương tiện, đặc biệt là xe có tải trọng lớn cần duy trì tốc độ ổn định để lấy đà. Theo phản ánh của nhiều tài xế thường xuyên di chuyển trên tuyến đường này, việc phải giảm tốc độ đột ngột, thậm chí phanh gấp để tránh những người đang chụp ảnh tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.

Không ít người dân đã lựa chọn đứng chụp ảnh ở trên dải phân cách, nhưng đáng lo ngại hơn là những nhóm người đứng tràn xuống lòng đường, thậm chí dàn hàng chắn hết lối đi của các phương tiện giao thông. Nhiều người đi ô tô, xe máy khi thấy cảnh đẹp đã tùy tiện dừng lại để chụp ảnh, bất chấp biển cấm dừng đỗ ngay tại lối vào.

Có thể thấy, mặc dù vẻ đẹp của các công trình kiến trúc hay những hàng cây xanh đang góp phần thay đổi diện mạo của TP theo hướng tích cực, nhưng ý thức của một bộ phận người dân lại đang đi ngược với sự thay đổi này. Việc coi trọng nhu cầu chụp ảnh cá nhân mà bỏ qua an toàn giao thông chung đang trở thành vấn đề đáng báo động tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội.

Gây cản trở hoặc mất an toàn giao thông

 Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hành vi tụ tập, chụp ảnh trên đường phố gây cản trở hoặc mất an toàn giao thông có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ theo mức độ vi phạm.

Cụ thể, tại khoản 21 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định rõ, hành vi cản trở người, phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Còn theo Điểm a khoản 1 Điều 30 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, người đi bộ phải tuân thủ các quy định: phải đi trên vỉa hè, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ; trường hợp đường không có vỉa hè, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ thì người đi bộ phải đi sát mép đường bên phải theo chiều đi của mình.

Nghị định số 168/2024/NĐ-CP đã cụ thể hóa mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm này. Theo quy định tại Điều 10, người đi bộ (bao gồm cả những người đứng chụp ảnh tại lòng đường) có thể bị phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng nếu thực hiện một trong các hành vi vi phạm như: không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định; đi qua đường không có tín hiệu bằng tay theo quy định.

Còn theo quy định tại Điều 12, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, người chụp ảnh dưới lòng đường có thể bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng nếu thực hiện một trong những hành vi vi phạm như: tập trung đông người trái phép, nằm, ngồi trên đường bộ gây cản trở giao thông. Ngoài ra, trong trường hợp người dân dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định, gây cản trở giao thông để chụp ảnh có thể bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP.

Bên cạnh các quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ, việc tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng còn có thể bị xử lý theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Theo đó, hành vi gây mất trật tự công cộng có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Mặc dù nhu cầu chụp ảnh, lưu giữ khoảnh khắc với các công trình, cảnh quan đẹp là điều dễ hiểu, nhưng mọi hoạt động đều cần được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng. Văn hóa giao thông văn minh, ý thức tôn trọng luật pháp và quyền lợi của người khác cần được đề cao trong mỗi công dân, đặc biệt tại các đô thị lớn, nơi mật độ giao thông ngày càng tăng cao.

Minh Nhật

Tin liên quan