Chuyển đổi phương tiện xanh: Mục tiêu lớn với nhiều khó khăn, thách thức

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó có yêu cầu Hà Nội thực hiện một lộ trình cụ thể nhằm hạn chế xe máy xăng theo từng giai đoạn. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là lộ trình rất khó khăn đối với Nhân dân và chính quyền TP.

Mục tiêu rất lớn

Hà Nội đang có gần 7 triệu xe máy đăng ký lưu hành, tạo nên áp lực rất lớn với giao thông và môi trường. Việc giảm thiểu phương tiện cá nhân, trong đó có xe máy xăng là một trong những giải pháp chính nhằm khắc phục tình trạng nêu trên. Vấn đề này cũng đã được đặt ra trong nhiều năm qua, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc chưa thể giải quyết.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong đó có yêu cầu Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1. Từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2. Từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.

Chuyen doi phuong tien xanh: Muc tieu lon voi nhieu kho khan, thach thuc - Hinh anh 1

Để cấm tuyệt đối xe máy xăng bên trong Vành đai 1 trong vòng 1 năm tới thật sự là thách thức không nhỏ đối với thành phố Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định: “Đây là mục tiêu rất lớn và không dễ thực hiện đối với Hà Nội. TP hiện đang có gần 7 triệu xe máy, là phương tiện đi lại chính của người dân, và tập trung chủ yếu trong khu vực nội thành. Để cấm tuyệt đối xe máy xăng bên trong Vành đai 1 trong vòng 1 năm tới thật sự là thách thức không nhỏ”. Tuy nhiên vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc cấm xe máy xăng vào các khu vực có mật độ dân cư cao, nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn là cần thiết. Vấn đề đặt ra là thực hiện một lộ trình với những giải pháp như thế nào cho phù hợp.

Anh Lê Văn Khánh (phường Chương Mỹ) chia sẻ: “Nơi làm việc của tôi nằm bên trong Vành đai 1 - khu vực sẽ cấm xe máy xăng, đặc thù công việc phải đi lại nhiều, nếu không sử dụng xe máy sẽ vô cùng khó khăn. Mà chuyển đổi sang xe máy điện thì tốn không ít tiền, hiện tôi chưa đủ điều kiện. Nếu Nhà nước hỗ trợ mức phù hợp tôi sẵn sàng chuyển đổi ngay”. Tương tự chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (phường Dương Nội) cho biết: “Tôi rất bất ngờ trước lộ trình cấm xe máy xăng bên trong Vành đai 1 vào tháng 7/2026. Chỉ còn chưa đến 1 năm nữa, nhà tôi hai người đi làm, phải đổi hai chiếc xe, tốn phí một khoản lớn so với thu nhập đang có. Chúng tôi cũng chưa biết phải làm thế nào”. Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng bày tỏ mong muốn các cấp chức năng có một kế hoạch, lộ trình cụ thể cũng như các biện pháp hỗ trợ thiết thực, nếu không chắc chắn sẽ có nhiều người dân, gia đình gặp khó khăn rất lớn.

Dưới góc nhìn một chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng, không chỉ người dân mà ngay cả chính quyền TP Hà Nội cũng sẽ phải tìm ra giải pháp cho những vấn đề khó như: cấm xe máy xăng bằng cách nào, hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện ra sao… “Chỉ riêng khu vực bên trong Vành đai 1 thôi đã có hàng trăm, nghìn đường ngang ngõ tắt, người dân sở hữu hàng triệu chiếc xe máy xăng. Nếu cấm thì kiểm soát bằng cách nào? Chỉ bằng sức người kiểm tra xử phạt thì không thể hiệu quả” - ông Đỗ Cao Phan nói.

Cần giải pháp hữu hiệu

Các chuyên gia cho rằng, để hạn chế xe máy xăng, tiến tới cấm tuyệt đối ở một số khu vực cần các giải pháp thiết thực và hữu hiệu để hạn chế tối đa khó khăn cho người dân. Việc đầu tiên cần làm là nâng cấp, hoàn thiện hệ thống vận tải hành khách công cộng của TP.

Theo lộ trình dự kiến, đến năm 2035 mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) mới được đầu tư xây dựng đầy đủ. Khu vực bên trong Vành đai 1 hiện mới có 2 tuyến, trong năm nay sẽ khởi công 2 tuyến nữa, và chắc chắn đến tháng 7 năm 2026 sẽ chưa hoàn thành. ĐSĐT là xương sống của vận tải hành khách công cộng, là phương tiện tối ưu, khả dĩ thay thế được xe cá nhân cho phần đông người dân đi lại. Để hạn chế xe máy xăng, cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng các tuyến ĐSĐT. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, để giúp người dân chuyển đổi sang xe máy điện, TP sẽ cần đến hàng chục nghìn tỷ đồng, một con số rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh TP đang tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng. Nếu muốn chuyển đổi đúng theo lộ trình Chính phủ yêu cầu, TP sẽ cần đến sự ủng hộ to lớn và mạnh mẽ của các DN sản xuất xe điện. “Bên cạnh đó, hạ tầng trạm sạc cho xe điện phải phát triển thật nhanh, thần tốc đáp ứng nhu cầu phục vụ hàng triệu xe máy điện trong vòng 1 năm tới. Chi phí cho hạ tầng lưới điện và trạm sạc cũng sẽ là khó khăn rất lớn mà Hà Nội phải tính toán kỹ lưỡng. Trong một thời gian ngắn có thể đáp ứng được hay không chưa thể khẳng định” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.

Ngoài ra, để cấm được hàng triệu xe máy xăng đi vào khu vực bên trong Vành đai 1, Vành đai 2 và xa hơn nữa là Vành đai 3, TP cần có biện pháp kiểm soát hữu hiệu. Hàng rào kiểm soát vừa phải đảm bảo ngăn được xe máy xăng, vừa không gây thêm ùn tắc giao thông cho khu vực nội đô đông đúc. Các hình thức xử phạt đối với người vi phạm cũng cần được nghiên cứu, đề xuất sao cho phù hợp và khả thi. Hiện hệ thống giao thông thông minh của TP vẫn đang trong quá trình xây dựng từng phần, chưa đồng bộ, chưa thể đáp ứng yêu cầu giám sát hàng triệu chiếc xe máy.

Có thể nói, lộ trình chỉ 1 năm, từ nay đến tháng 7/2026 để hoàn thành việc cấm xe máy xăng đi vào khu vực nội đô bên trong Vành đai 1 là thách thức rất lớn với Hà Nội, đòi hỏi chính quyền và Nhân dân TP phải quyết tâm, nỗ lực rất lớn. Trước mắt cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương chung, nhằm hạn chế xe máy xăng, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để người dân chuyển đổi sang phương tiện xanh, đặc biệt là đông đảo người dân có mức thu nhập trung bình và thấp, công việc mưu sinh chủ yếu vẫn gắn liền với chiếc xe máy.

Vừa qua, TP Hà Nội cũng đã phê duyệt Đề án thí điểm các vùng phát thải thấp. Các chuyên gia cho rằng, từ việc khoanh vùng, thí điểm hạn chế xe máy xăng sẽ có thể rút kinh nghiệm, xây dựng bộ khung chính sách cụ thể, hiệu quả chung cho việc giảm thiểu xe cá nhân, xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên toàn địa bàn TP. Trước mắt TP Hà Nội cần nhanh chóng bắt tay vào thí điểm xây dựng các vùng phát thải thấp, qua đó định lượng những khó khăn, thử nghiệm giải pháp để lựa chọn phương án tối ưu cho các khu vực rộng lớn hơn và toàn TP.

Đặng Sơn

Tin liên quan