Cụ thể hóa nhiều quy định tại dự thảo luật liên quan đến giao thông

PHẠM CÔNG
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Để thích nghi với điều kiện thực tế, Bộ ngành đang xây dựng để ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nhiều chuyên gia cho rằng, 2 bộ luật này cần cụ thể hóa, làm rõ các quy định để việc quản lý được chặt chẽ.

Đòi hỏi tất yếu

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/7/2009. Thực tiễn triển khai thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đến thời điểm hiện tại cho thấy xuất hiện một số bất cập, quy định chưa cụ thể và các vấn đề phát sinh trong tình hình mới đối với đường cao tốc, cơ chế huy động nguồn lực xã hội vào các công trình giao thông, phương tiện giao thông thông minh…

Ngoài ra, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thiếu rõ ràng, chưa rành mạch dẫn đến quá trình thực hiện còn chồng chéo, thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chưa giải quyết được thực trạng phức tạp về trật tự an toàn giao thông đường bộ như mục tiêu đề ra.

Cu the hoa nhieu quy dinh tai du thao luat lien quan den giao thong - Hinh anh 1
 Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”.

Việc xây dựng và ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển, phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, gắn trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước một cách rõ ràng, cụ thể, góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để thúc đẩy, nâng tầm cả hai lĩnh vực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Theo dự thảo Luật Đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội vào ngày 30/8/2023 gồm có 92 Điều, quy định về hoạt động đường bộ, bao gồm các quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ. 

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội ngày 31/8/2023 có 81 Điều, quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm: quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.  

Trước thực tế cấp bách để hai bộ luật này sớm được ban hành và áp dụng, ngày 10/5, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”.

Cần cụ thể quy định

Liên quan đến Luật Đường bộ, ông Nguyễn Xuân Tân - Chủ tịch hội cầu đường Hà Nội cho rằng, cần đưa phần đường đô thị vào trong bộ luật này. Đây là một phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời luật nên quy định, phân loại đường bộ theo cấp để tiện cho việc quản lý.

 “Ở Việt Nam vẫn phân cấp đường bộ theo vùng, tuy nhiên hệ thống giao thông là mạch máu liên hoàn. Cần phân cấp theo từng địa phương để để làm rõ trách nhiệm quản lý” - ông Nguyễn Xuân Tân chia sẻ.

Cu the hoa nhieu quy dinh tai du thao luat lien quan den giao thong - Hinh anh 2
 Ông Nguyễn Xuân Tân - Chủ tịch hội cầu đường Hà Nội đóng góp tại Hội Thảo. 

Cũng liên quan đến Luật Đường bộ, ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, cần đưa vào quy định việc quản lý lòng đường  hè phố, vào mục đích khác giao thông. Kinh nghiệm tại các nước phát triển, có không ít trường hợp phải sử dụng lòng đường hè phố ngoài mục đích giao thông.

“Cũng nên nghiên cứu việc sử dụng gầm cầu để trông giữ phương tiện. Thực tế, dân số Hà Nội trên 8 triệu người và 1,2 triệu người ở các tỉnh đổ về. Có 7,8 triệu phương tiện các loại trong đó có 1,6 triệu ô tô. Ngoài ra, còn 1,2 triệu phương tiện các tỉnh khác tham gia giao thông tại Hà Nội. Ô Tô tăng trưởng 10%, xe máy tăng 3% mỗi năm trong khi bãi đỗ xe mới chỉ đáp ứng được 8 đến 10% nhu cầu đỗ xe của người dân. Như vậy, việc tận dụng gầm cầu cạn để trông giữ phương tiện sẽ giải quyết một phần không nhỏ nhu cầu đỗ xe của người dân” - ông Trần Hữu Bảo – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội chia sẻ.

Cu the hoa nhieu quy dinh tai du thao luat lien quan den giao thong - Hinh anh 3
 Ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, hệ thống giao thông thông minh được nêu tại điều 7 Luật Đường bộ là định hướng cho phát triển, xu thế hiện nay. Do vậy, nội dung quy định về giao thông thông minh cần cụ thể hóa để làm rõ các tiêu chí về đô thị thông minh và bền vững.

 “Dự thảo đã nêu rất rõ và chi tiết về phần đất bảo trì đường bộ tại điều 17 song vẫn còn một số nội dung chưa đồng bộ với nội dung trong Luật Đất đai sửa đổi đang hoàn chỉnh để trình duyệt nhất là quyền sử dụng phần ngầm dưới đất có nhiều quy định mới” - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.

Cu the hoa nhieu quy dinh tai du thao luat lien quan den giao thong - Hinh anh 4
 TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam.

Đối với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Trung tá Đào Việt Long - Phó Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết, qua thống kê, hơn 90% vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện, còn lại là do phương tiện, hạ tầng cũng như tổ chức giao thông. Yếu tố tốc độ cũng là nguyên nhân chính cấu thành tai nạn giao thông do vậy cần có những quy định cụ thể về tốc độ cho phép với phương tiện trong từng khu vực.

“Đề nghị đưa xe điện thăng bằng, vào diện pháp luật quản lý. Những phương tiện này đang bắt đầu xuất hiện và có xu hướng phát triển ở những thành phố lớn và có thể phát triển mạnh ở Việt Nam trong thời gian tới. Ở một số nước phát triển, đã có những quy định cụ thể đối với những xe này” - Trung tá Đào Việt Long nêu ý kiến.

Cu the hoa nhieu quy dinh tai du thao luat lien quan den giao thong - Hinh anh 5
 Trung tá Đào Việt Long - Phó Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội).

Tại Hội thảo, PGS.TS Doãn Minh Tâm – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giao thông vận tải cho rằng, cần bổ sung quy định về bảo vệ người đi bộ và người điều khiển phương tiện mô tô 2 bánh, xe thô sơ, xe đạp trong khi nhóm phương tiện này chiếm 90% tổng số phương tiện tham gia giao thông và liên quan đến 70 – 75% các vụ tai nạn giao thông đường bộ.

Cu the hoa nhieu quy dinh tai du thao luat lien quan den giao thong - Hinh anh 6
 PGS.TS Doãn Minh Tâm – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giao thông vận tải đóng góp ý kiến tại hội nghị. 

Ngoài ra, PGS.TS Doãn Minh Tâm cho rằng để đảm bảo an toàn đối với xe đưa đón học sinh thì lái xe muốn hành nghề thì bắt buộc phải được đào tạo đặc biệt để có chứng chỉ riêng. Ngoài ra, các trường học cũng phải xây dựng nội quy, quy chế của nhà trường để hướng dẫn cho lái xe, học sinh, người giám hộ các quy định về an toàn để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.

Tin liên quan