Đại biểu Quốc hội nêu quan điểm về trích lại tiền xử phạt vi phạm giao thông

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định chặt chẽ, thêm tình tiết tăng nặng đối với những người vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ liên tục với cùng một lỗi; vi phạm 2 năm liên tục có thể tạm thời tước giấy phép.

Cân nhắc quy định trích tiền xử phạt vi phạm giao thông để hiện đại hoá lực lượng cảnh sát

Chiều 22/5, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Quan tâm đến nội dung tại khoản 1, điều 5 quy định chính sách Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn tỉnh Bến Tre) cho rằng, việc quy định trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng cảnh sát giao thông là chưa thật sự  hợp lý.

Dai bieu Quoc hoi neu quan diem ve trich lai tien xu phat vi pham giao thong - Hinh anh 1
Quang cảnh phiên thảo luận chiều 22/5 - Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, tất cả phải tuân thủ theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính, vậy tại sao lĩnh vực này lại quy định riêng?. Việc đưa ra quy định trích phần trăm tiền xử phạt vi phạm hành chính, một mặt làm cho không thống nhất với chính sách, quy định chung và các luật có liên quan như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Ngân sách nhà nước… Vì vậy, đại biểu đề nghị không quy định trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước trong dự thảo Luật, mà vấn đề này thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước.

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) đồng tình với quy định này nhưng cũng đề nghị quy định tỷ lệ phần trăm cụ thể, không nên quy định “một phần” như Dự thảo Luật.

Còn đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh (Đoàn tỉnh Lai Châu) bày tỏ đồng tình với Dự thảo Luật quy định trích một phần tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính về an toàn giao thông để tăng cường cơ sở vật chất, hiện đại hóa lực lượng cảnh sát giao thông, nhưng theo đại biểu, cần quản lý và thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước.

Dai bieu Quoc hoi neu quan diem ve trich lai tien xu phat vi pham giao thong - Hinh anh 2
Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh (Đoàn tỉnh Lai Châu)

Bổ sung quy định cấm trẻ em dưới 10 tuổi ngồi cùng hàng ghế lái xe

Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, với hành vi cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông đường bộ khi có điều kiện, đây là quy định đã có trong pháp luật dân sự, mang tính nhân văn, trách nhiệm xã hội của mọi người.

Tuy nhiên pháp luật về giao thông chưa thể chế rõ các nội dung liên quan bảo đảm cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để thực hiện cũng như bảo vệ người chấp hành đúng quy định của pháp luật cứu người bị tai nạn. Để khắc phục một số hạn chế, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị, quy định trong Luật các biện pháp bảo vệ người tham gia giúp đỡ người bị tai nạn giao thông để người dân an tâm thực hiện.

Dai bieu Quoc hoi neu quan diem ve trich lai tien xu phat vi pham giao thong - Hinh anh 3
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn tỉnh Quảng Ngãi)

Cũng quan tâm tới an toàn của người tham gia giao thông, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn tỉnh Thái Bình) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của người điều khiển giao thông đường bộ trong việc chủ động dừng lại nhường đường cho người đi bộ qua đường. Bởi thực tế, xảy ra nhiều vụ tai nạn xảy ra cả ở nơi có vạch chỉ đường dành cho người đi bộ và nơi không có vạch chỉ đường dành cho người đi bộ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn tỉnh Hải Dương) quan tâm tới các quy định bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giữ lại quy định: trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi thì không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ được nêu tại điều 11 về quy tắc chung trong Dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp 6 (nội dung này không còn trong Dự thảo Luật lần này).

Dai bieu Quoc hoi neu quan diem ve trich lai tien xu phat vi pham giao thong - Hinh anh 4
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội)

Cùng chung ý kiến trên, đại biểu Quôc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị bổ sung nội dung “không được để trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ xe chỉ có một hàng ghế”; và bỏ nội dung “mà không có người lớn ngồi cùng” tại khoản 3 điều 11.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả trẻ em, bất kể độ tuổi hay chiều cao, nên được ngồi ở ghế sau của xe ô tô khi tham gia giao thông vì vị trí ngồi sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ em, giảm nguy cơ bị thương so với để trẻ ngồi ở vị trí cùng hàng ghế với người lái xe; vị trí ngồi cùng hàng với người lái là vị trí nguy hiểm nhất trên xe ô tô. Đặc biệt, ngay cả khi túi khí bung ra, cũng có thể gây thương tích nghiêm trọng ở đầu và cổ cho trẻ em kể cả khi trẻ ngồi trong thiết bị an toàn quay mặt về phía sau.

Dai bieu Quoc hoi neu quan diem ve trich lai tien xu phat vi pham giao thong - Hinh anh 5
Đại biểu tham gia phiên thảo luận chiều 22/5

Về lý do cần bỏ nội dung “mà không có người lớn ngồi cùng” với trẻ em được chở trên xe ô tô và trên xe máy, đại biểu Nguyễn Anh Trí chỉ rõ, cách viết này sẽ gây hiểu lầm rằng dây đai an toàn/thiết bị an toàn sẽ không cần dùng nếu có người lớn ngồi cùng trẻ. Thực tế người lớn ngồi cùng không thể thay thế thiết bị an toàn cho trẻ trên xe ô tô.

Vân Hà

Tin liên quan