|
Ảnh minh hoạ |
Sau phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, các bộ, ngành và các địa phương đã nỗ lực cố gắng trong triển khai các nhiệm vụ, tập trung vào công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư, trong đó điển hình là:
Thành phố Hà Nội hoàn thành công tác nghiệm thu đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội và đưa vào khai thác tạo được sự phấn khởi, tin tưởng trong các tầng lớp nhân dân;
Bộ Giao thông vận tải trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành; đã báo cáo Chính phủ về Đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đã phê duyệt dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; hoàn thành đưa vào khai thác đoạn còn lại của dự án thành phần (DATP) Diễn Châu - Bãi Vọt;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành thẩm định các dự án Dầu Giây - Tân Phú, Đồng Đăng - Trà Lĩnh;
Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài theo phương thức PPP; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên;
Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thành công tác khảo sát một số định mức tại dự án đường bộ cao tốc, đang hoàn thiện để sửa đổi Thông tư về định mức xây dựng;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 tháo gỡ nhiều vướng mắc về thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng;
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải trình các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và đang triển khai thủ tục để Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; tham mưu Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu cung ứng vật liệu cát đắp cho các dự án khu vực phía Nam.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, tổng số dự án đường bộ cao tốc đang được triển khai thi công khoảng 1.700 km trên khắp mọi miền đất nước, từ các dự án cao tốc thuộc trục Bắc - Nam, các dự án kết nối theo trục Đông - Tây, kết nối khu vực Tây Bắc, khu vực Tây Nguyên, kết nối các khu vực, kết nối 48 tỉnh, thành phố. Trong đó, có khoảng 1.200 km dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025 (nâng tổng số km đường bộ cao tốc cả nước lên trên 3.000 km).
Thúc đẩy nhanh tiến độ, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chỉ đạo, nhiệm vụ tổng quát có liên quan đến các công trình, dự án trọng điểm quốc gia là phải thúc đẩy nhanh tiến độ, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vì tổng vốn đầu tư dành cho các công trình giao thông toàn quốc năm 2024 là rất lớn, khoảng 200 nghìn tỷ đồng; góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương, chủ động giải quyết thủ tục, hướng dẫn các địa phương, bộ, ngành liên quan để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án trên tinh thần: phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, thực hiện có trọng tâm trọng điểm; chỉ đạo sâu sát, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ tiến độ, thời hạn hoàn thành, có sản phẩm cụ thể… để cùng nhau nỗ lực, phấn đấu hưởng ứng đợt phát động thi đua cao điểm 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc, chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm giành độc lập dân tộc và chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Trên tinh thần này, cần tập trung các yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1. Các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, phải khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh thủ tục đầu tư, bố trí vốn cho các dự án; giải quyết dứt điểm các công việc, tập trung có trọng tâm trọng điểm; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc.
2. Các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); cấp ủy các cấp chỉ đạo chính quyền vào cuộc vận động người dân; các tổ chức đoàn thể tham gia hỗ trợ; quyết liệt hoàn thành GPMB đúng tiến độ, không chậm trễ.
3. Tập trung di dời hạ tầng kỹ thuật, đường điện cao thế nhưng không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, gián đoạn cung cấp điện.
4. Công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu phải khẩn trương, khách quan minh bạch theo quy định pháp luật; kiên quyết chống "mua, bán" thầu, tham ô, tham nhũng, thất thoát, lãng phí...
5. Các bộ, ngành, địa phương tập trung, quyết liệt giải quyết bảo đảm cung cấp đủ, kịp thời nguồn vật liệu xây dựng; các địa phương, chủ đầu tư, Ban QLDA và nhà thầu phải chủ động làm việc, trao đổi giải quyết dứt điểm nguồn vật liệu phục vụ dự án.
6. Đẩy nhanh tiến độ nhưng phải bảo đảm chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, tính kỹ - mỹ thuật; lưu ý việc hoàn trả đường dân sinh; thi công hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Đảm bảo hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025
Thời gian từ nay đến cuối năm 2025 cũng không còn nhiều và là giai đoạn cần triển khai khối lượng công việc lớn, phải có sự đột phá, tăng tốc nhất là với các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025, do đó Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu:
1. Khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết "đường găng tiến độ hoàn thành các dự án trong năm 2025" phù hợp điều kiện GPMB, nguồn vật liệu, điều kiện thời tiết để làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm soát chặt tiến độ thi công các dự án, đảm bảo hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025; phân công rõ ràng, rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả và tăng cường giám sát, kiểm tra.
2. Phát động và tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc" để chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
3. Công tác GPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật (điện cao thế): đây là nhiệm vụ rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đường găng tiến độ; nhiều dự án còn khối lượng GPMB ít nhưng lại là chỗ khó; do đó, đề nghị các địa phương tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 54/CĐ-TTg ngày 2/5/2024 để sớm nhất hoàn thành công tác GPMB.
4. Công tác triển khai thi công, Bộ Giao thông vận tải, các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công phối hợp với các địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, cung ứng vật liệu xây dựng; tập trung, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt thi công với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "làm việc nào dứt việc đó", "đã cam kết phải thực hiện, đã hứa phải làm" để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Bộ Giao thông vận tải, các địa phương chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, nhà thầu chủ động tập trung thi công các hạng mục là đường găng tiến độ như: công trình hầm lớn, cầu lớn, khu vực phải gia tải, xử lý nền đất yếu,...
Sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết "đường găng tiến độ hoàn thành các dự án trong năm 2025", đảm bảo hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025. Đặc biệt, đối với 436 km thuộc 14 Dự án/DATP đang chậm tiến độ, cần có sự chủ động, quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của các cơ quan chủ quản, các chủ đầu tư, các nhà thầu mới có thể đáp ứng đúng tiến độ; hoàn thành trong tháng 8 năm 2024.
Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo các Chủ đầu tư, các nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, cung ứng vật liệu xây dựng, bảo đảm đủ trữ lượng và công suất đáp ứng tiến độ thi công các dự án, nhất là DATP đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Biên Hòa - Vũng Tàu, Hòa Liên - Túy Loan; xây dựng kế hoạch tổ chức thi công hợp lý, tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, Biên Hòa - Vũng Tàu, Hòa Liên - Túy Loan trong năm 2025 và DATP 2 Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường Hồ Chí Minh theo kế hoạch.
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương triển khai lựa chọn nhà đầu tư để sớm khởi công dự án Dầu Giây - Tân Phú; hoàn thiện thủ tục để trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Biên Hòa - Vũng Tàu; hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để sớm trình các cấp có thẩm quyền.