|
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. |
Về Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành
Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án tuyến huyết mạch kết nối các tỉnh miền Tây sang miền Đông thông qua kết nối với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận. Việc dừng thi công một số gói thầu ảnh hưởng rất lớn đến kết nối giao thông liên vùng, có trách nhiệm của chủ đầu tư, các đơn vị, cơ quan liên quan.
Các bộ, cơ quan liên quan và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phải khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Phó Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và VEC khẩn trương nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí nguồn vốn để hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án, bảo đảm cam kết nghĩa vụ trả nợ của VEC và đúng quy định của pháp luật hiện hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/3/2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành việc thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và có Báo cáo kết quả thẩm định trước ngày 17/3/2023; khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc bố trí vốn đối ứng cho Dự án theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại văn bản số 38/TB-VPCP ngày 20/2/2023 của Văn phòng Chính phủ trước ngày 24/3/2023.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với VEC làm việc với tư vấn nước ngoài để có giải pháp rút ngắn thời gian hoàn thành dự án, phấn đấu tiến độ hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch ban đầu (ngày 30 tháng 9 năm 2025); hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy định pháp luật hiện hành trước ngày 27/3/2023.
VEC chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc hoàn thiện các thủ tục về điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư, bố trí vốn đối ứng còn lại, đề xuất phương án bố trí nguồn vốn để hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án.
UBND các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An phối hợp chặt chẽ với VEC và tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, an ninh, nguồn vật liệu san lấp, bãi đổ thải cho các nhà thầu thi các hạng mục còn lại của Dự án.
Về Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành
Để đẩy nhanh tiến độ các gói thầu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định Nhà nước khẩn trương hoàn thành báo cáo thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong tháng 3/2023 làm cơ sở trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về toàn bộ quá trình triển khai thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, việc kéo dài thời gian thực hiện, nguyên nhân…; điều phối đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, kết nối, đồng bộ giữa các gói thầu thành phần theo đúng thiết kế và yêu cầu kỹ thuật đặc biệt là gói thầu thành phần 3.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thống nhất phương án, phương thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án thành phần 4. Chú trọng lựa chọn nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm, đầu tư, kinh doanh, cung các dịch vụ thiết yếu trong cảng hành không đảm bảo hoạt động an toàn, thuận tiện, hiệu quả, mang lại lợi ích cao nhất.
Thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước chuyên ngành; chỉ đạo, hướng dẫn ACV, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và chủ đầu tư các dự án thành phần khẩn trương triển khai Dự án theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn và bảo vệ môi trường;
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại của giai đoạn 1 để bàn giao cho các chủ đầu tư, đảm bảo hoàn thành trong tháng 3 năm 2023; phối hợp chặt chẽ, tích cực với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định nhà nước để hoàn thiện Báo cáo thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
ACV phải xác định đây là một dự án có quy mô lớn, mang tầm cỡ quốc gia để có phương án quản lý toàn bộ quá trình thi công, vận hành phù hợp mang lại chất lượng, tiến độ, hiệu quả đáp ứng yêu cầu.
ACV chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc lựa chọn nhà thầu đáp ứng đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các gói thầu, dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả. Kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ vướng mắc trong quá trình triển khai.
Về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh và Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm khởi công và triển khai dự án đúng tiến độ; lưu ý làm tốt công tác tái định cư cho người dân bị thu hồi đất tránh khiếu nại, khiếu kiện.
Nghiên cứu áp dụng các giải pháp, công nghệ hợp lý trong thiết kế, thi công; công tác lập dự toán xây dựng công trình phải bảo đảm tính đúng, tính đủ theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức thực hiện thẩm tra thiết kế đúng quy định, yêu cầu tư vấn thẩm tra phải nâng cao tính chuyên nghiệp, độc lập, khách quan trong công tác thẩm tra; bố trí cán bộ đủ năng lực, phù hợp với loại và cấp công trình; nâng cao chất lượng trong công tác thẩm tra.
Chỉ đạo tư vấn thiết kế nâng cao trách nhiệm, chất lượng điều tra, khảo sát xây dựng dự án gắn với nhu cầu vật liệu xây dựng (đất, đá, cát, sỏi), có báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với hoạt động thăm dò khai thác vật liệu theo đúng quy định của pháp luật trong quá trình thiết kế; thẩm định thiết kế kỹ thuật, phương án kỹ thuật phải bảo đảm tính bền vững công trình, thích ứng biến đổi khí hậu khi đưa vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
Rà soát, thẩm định cao độ đường; đánh giá tác động đến dòng chảy, thoát lũ, không để xảy ra tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, dòng chảy, tiêu thoát khi có lũ hoặc tạo thành các vùng úng ngập khi có mưa, triều cường ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của người dân; nghiên cứu phương án hạ thấp cao độ đường phù hợp hoặc làm cầu cạn thay đường nếu cần thiết; nghiên cứu thay hầm đường dân sinh bằng cầu vượt nhằm hạ thấp cao độ đường để tiết kiệm vật liệu san lấp. Khi lập dự án đầu tư phải xây dựng ngay các phương án sử dụng vật liệu xây dựng và mặt bằng thi công.
UBND các tỉnh, thành phố tính toán nhu cầu về vật liệu san lấp (đất, cát) và khả năng cung ứng nguyên vật liệu cho các dự án; trường hợp nguồn vật liệu không bảo đảm cung ứng cho các dự án thì tổng hợp, đề xuất gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải để rà soát cân đối và xử lý tổng thể, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.