Đẩy nhanh tiến độ khởi công 27 dự án giao thông trong năm 2023

THANH BÌNH
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Bộ GTVT vừa ban hành thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp trực tuyến về tình hình triển khai thực hiện các dự án dự kiến khởi công trong năm 2023.

Day nhanh tien do khoi cong 27 du an giao thong trong nam 2023 - Hinh anh 1
Đẩy nhanh tiến độ khởi công 27 dự án giao thông trong năm 2023. 

Thông báo kết luận nêu rõ, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, về quan điểm, Bộ GTVT xác định đây là trách nhiệm chung cần thực hiện với tinh thần, trách nhiệm và quyết tâm cao nhất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trong đó yêu cầu khởi công 27 dự án trong năm 2023 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố và yêu cầu các cơ quan thuộc Bộ, các chủ đầu tư, ban QLDA xác định đây là nhiệm vụ chung và trọng tâm, không của riêng ai, phải cùng cộng đồng trách nhiệm để thực hiện với tinh thần, quyết tâm cao nhất nhằm phục vụ lợi ích chung của đất nước và nhân dân. Đối với các dự án do địa phương là cơ quan chủ quản, Bộ GTVT luôn sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ tối đa trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đến thời điểm hiện tại, đã hoàn thiện các thủ tục để khởi công 4 dự án (Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh; Dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải; Dự án cải tạo, nâng cấp luồng Hàng Hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa; Dự án cải tạo, nâng cấp QL.14E đoạn Km15+270-Km89+700, tỉnh Quảng Nam), còn lại 23 dự án đang triển khai theo kế hoạch, trọng tâm là 5 dự án quan trọng quốc gia có kế hoạch khởi công trước ngày 30/6/2023.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tiến độ triển khai một số dự án đang có nguy cơ chậm tiến độ. Do đó, Bộ GTVT đề nghị các địa phương, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền và các quy định pháp luật có liên quan để có giải pháp triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Cụ thể, đối với các địa phương được giao là cơ quan chủ quản, Bộ GTVT đề nghị chỉ đạo tập trung hoàn thiện các thủ tục theo quy định để sớm hoàn thành công tác phê duyệt dự án đầu tư các dự án còn lại và khởi công các dự án theo đúng kế hoạch đề ra. 


Đồng thời, triển khai quyết liệt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong đó lưu ý các vị trí cần ưu tiên giải phóng mặt bằng (GPMB) trước để tổ chức thi công như: đường công vụ, các hạng mục đường găng tiến độ (xử lý đất yếu, cầu, hầm,…); Chuẩn bị các thủ tục liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng theo thẩm quyền để có thể giao ngay mỏ cho các nhà thầu khai thác vật liệu đáp ứng tiến độ thi công các dự án theo các Nghị quyết của Chính phủ. 

Đối với cơ quan tham mưu của Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Vụ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, chỉ đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận theo chỉ đạo của Bộ GTVT và triển khai các công việc tiếp theo để sớm khởi công vào cuối năm 2023, hoàn thành dự án trong năm 2025 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. 

Cục Đường cao tốc Việt Nam đôn đốc Ban QLDA 6 khẩn trương hoàn thiện hồ sơ mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông trình Bộ GTVT xem xét, quyết định làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. 

Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Quản lý đầu tư xây dựng có trách nhiệm tiếp nhận các thông tin phản ảnh về khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư, ban QLDA, các tổ chức liên quan trong quá trình triển khai dự án để chủ động xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo lãnh đạo Bộ chỉ đạo đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, hiện nay, các dự án đường cao tốc đều đã có quy chế phối hợp triển khai thực hiện giữa Bộ GTVT và các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản, do đó, các cơ quan tham mưu thuộc Bộ được giao trong quy chế phải chủ động phối hợp với các ban QLDA, các địa phương, chủ đầu tư để thực hiện nhiệm vụ cơ quan chuyên môn về xây dựng, hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và đôn đốc triển khai các dự án. 

Đối với các chủ đầu tư, ban Quản lý dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết từng dự án để làm cơ sở kiểm tra, giám sát; báo cáo Bộ GTVT và các cơ quan chủ quản trước ngày 30/3/2023. Đồng thời, xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết tương ứng với các mốc tiến độ thực hiện. 

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị, hoàn thiện các thủ tục để đủ điều kiện phê duyệt và khởi công các dự án theo đúng tiến độ yêu cầu, nhất là đối với các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Tin liên quan