Theo Sở GTVT Long An, trước đây UBND tỉnh đã thống nhất hướng tuyến đoạn qua huyện Đức Hòa bám theo tim đường cũ của QL N2, kết nối với đoạn qua TP Hồ Chí Minh tại cầu Thầy Cai hiện hữu.
Tuy nhiên, qua báo cáo của UBND huyện Đức Hòa nếu tuyến Vành đai 4 đi trùng với quốc lộ N2 thì chi phí giải phóng mặt bằng qua huyện Đức Hòa là 21.912 tỷ đồng. Có khoảng 2.880 hộ dân dọc tuyến bị ảnh hưởng, việc bố trí tái định cư cũng gặp nhiều khó khăn.
UBND huyện Đức Hòa đề xuất điều chỉnh hướng tuyến cách QL N2 khoảng 1,7 km thì chi phí giải phóng mặt bằng chỉ còn 8.203 tỷ đồng, giảm hơn 13.000 tỷ đồng so với hướng tuyến đi trùng QL N2, số hộ dân bị ảnh hưởng giảm chỉ còn 910 hộ.
|
Sơ đồ hướng tuyến đường Vành đai 4, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: L.Q |
Để có cơ sở tham mưu cho UBND 2 tỉnh Long An và TP Hồ Chí Minh về hướng tuyến đường Vành đai 4, Sở GTVT tỉnh Long An đề nghị Sở GTVT TP Hồ Chí Minh có ý kiến về việc điều chỉnh hướng tuyến đường này.
Dự án đường Vành đai 4, TP Hồ Chí Minh dài gần 207 km, qua 4 tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng.
Dự án sẽ đầu tư từ năm 2024-2028, các địa phương ủng hộ phương án gộp toàn bộ tuyến đường làm 1 dự án chung, đoạn đi qua địa phương nào thì địa phương đó làm cơ quan có thẩm quyền đầu tư dự án.