Cụ thể, UBND tỉnh Sơn La kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh điểm đầu tuyến đường từ Km66+700, quốc lộ 6 về điểm giao với đường 70B, xã Yên Mông – TP Hòa Bình.
Việc điều chỉnh này khiến chiều dài toàn dự án chỉ còn 83 km, giảm 2 km so với phương án tuyến được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 597/QĐ – TTg ngày 17/5/2019 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
UBND tỉnh Sơn La cũng đề nghị điều chỉnh quy mô thực hiện giai đoạn 1 đối với các đoạn tuyến có điều kiện phát huy hiệu quả sớm, có chi phí đầu tư không quá lớn do chưa phải xây dựng ngay các công trình cầu đặc biệt lớn và các hầm đường bộ.
Cụ thể, bề rộng nền đường giai đoạn 1 dự án sẽ chỉ còn 13,5 m so với 17 m; giai đoạn 2 giữ nguyên quy mô đã được duyệt tại Quyết định số 597.
Với những thay đổi nói trên, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 sẽ chỉ còn 21.577 tỷ đồng, giảm 717 tỷ đồng so với chủ trương được Thủ tướng phê duyệt trước đó.
Song, đề xuất lớn nhất là tỉnh Sơn La kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh loại hợp đồng dự án từ hợp đồng hỗn hợp (kết hợp BOT và BT) sang loại hợp đồng BOT có sự tham gia vốn góp của Nhà nước.
Theo tỉnh Sơn La, loại hình hợp đồng hỗn hợp (kết hợp BOT và BT) gần như chưa được thực hiện tại Việt Nam.
Do đó, các cơ quan Nhà nước (kể cả cấp Trung ương và cấp tỉnh), nhà đầu tư đều chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện.
Việc điều chỉnh loại hợp đồng dự án cũng khiến cơ cấu nguồn vốn dự án đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu thay đổi theo.
Với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 21.577 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước dự kiến tham gia để đảm bảo tính khả thi dự án lên tới 9.950 tỷ đồng, được chi cho công tác bồi thường GPMB và tái định cư, một phần chi phí xây dựng; nhà đầu tư huy động 11.627 tỷ đồng (chiếm 54%); ngân sách địa phương tham gia 5.000 tỷ đồng, gồm Hòa Bình 900 tỷ đồng, Sơn La 4.100 tỷ đồng.
UBND tỉnh Sơn La đề nghị xây dựng đoạn 1 (Km1 – Km19) đầu tư bằng vốn nhà nước và tách thành tiểu dự án để thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025, tổng mức đầu tư 3.059 tỷ đồng.
Đoạn tuyến 2 (Km19 – Km53) có chi phí 14.355 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư thu xếp 11.627 tỷ đồng, Nhà nước tham gia 2.728 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2026.
Đoạn tuyến 3 (Km53 đến cuối tuyến) dự kiến đầu tư bằng vốn Nhà nước và tách thành tiểu dự án riêng, do UBND tỉnh Sơn La thực hiện trong giai đoạn 2021- 2025 với chi phí 3.307 tỷ đồng.
Nhà đầu tư được phép thu phí hoàn vốn toàn dự án trong thời gian 83 năm với mức phí hài hòa giữa lợi ích Nhà nước, người sử dụng, nhà đầu tư.