Ủy ban Quản lý vốn cho biết trên cơ sở báo cáo của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đơn vị này đã đề xuất mở rộng đoạn TP Hồ Chí Minh - Long Thành trên tổng chiều dài gần 22km.
Tuyến đường có điểm đầu tại Km4+000 (nút giao Vành đai 2) thuộc TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh; Điểm cuối tại Km25+920 (nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
|
Ảnh minh hoạ |
Về quy mô, đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao Vành đai 3 (Km4+00 đến Km8+770) được đầu tư 8 làn xe theo quy hoạch.
Đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km8+770 đến Km25+920) đầu tư 10 làn xe theo quy hoạch.
Cầu Long Thành đầu tư xây dựng 1 đơn nguyên cầu mới quy mô tương tự cầu hiện tại, tổ chức giao thông khai thác với quy mô 10 làn xe (châm chước không bố trí làn khẩn cấp, kết hợp tổ chức giao thông mỗi bên 5 làn xe rộng 3,5m). Với phương án trên, tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 14.955 tỷ đồng.
Đảm bảo nguồn lực, hạng mục đầu tư xây dựng công trình được đề xuất để DN Nhà nước (VEC) huy động 100% vốn thực hiện và tổ chức quản lý khai thác, thu phí hoàn vốn (triển khai phương án đầu tư theo Luật Đầu tư).
Hạng mục giải phóng mặt bằng (hơn 900 tỷ đồng) sẽ sử dụng ngân sách trung ương/ngân sách địa phương (TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai), và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tách thành dự án độc lập, giao cho địa phương thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Nếu được chấp thuận, dự án sẽ được chuẩn bị đầu tư từ tháng 3/2024 - 2/2025; thực hiện đầu tư từ tháng 3/2025 - 12/2027.
Theo đánh giá, trong 3 năm gần nhất, tình hình tài chính của VEC có nhiều chuyển biến tích cực, có đủ điều kiện huy động vốn đầu tư dự án TP Hồ Chí Minh - Long Thành.