Theo Bộ GTVT, Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT (quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ), được ban hành để hướng dẫn thực hiện chi tiết Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Nhưng nay, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã được thay thế bằng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 và Luật Đường bộ số 35/2024/QH15, hai luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Vì vậy, cần thiết phải ban hành Thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ (thay thế Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT) để kịp thời hướng dẫn thực hiện hai luật khi có hiệu lực vào ngày 01/01/2025.
|
Ảnh minh hoạ. |
Về cơ bản, nội dung và bố cục của dự thảo Thông tư không thay đổi nhiều so với Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT. Đáng chú ý, Thông tư đề xuất bổ sung thêm một số nội dung nhằm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Đường bộ về tốc độ thiết kế của đường bộ.
Theo đó, tốc độ thiết kế đường ô tô cao tốc được phân làm 03 cấp như sau: Cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120 km/h; Cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100 km/h; Cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80 km/h; đối với vị trí địa hình đặc biệt khó khăn, yếu tố quốc phòng an ninh khống chế, cho phép áp dụng tốc độ thiết kế 60 km/h.
Lưu ý, trên đường bộ cao tốc có thể có những đoạn áp dụng cấp khác nhau, những đoạn này phải dài từ 15 km trở lên và tốc độ thiết kế của hai đoạn liên tiếp không được chênh nhau quá 20 km/h. Trường hợp đường bộ cao tốc áp dụng cấp tốc độ thiết kế quá một cấp (20 km/h), phải có một đoạn quá độ dài ít nhất 2 km có cấp tốc độ thiết kế trung gian.
Bên cạnh đó, tốc độ thiết kế đường ô tô (không phải là đường ô tô cao tốc) được xác định theo cấp đường thiết kế và phụ thuộc vào loại địa hình; tốc độ thiết kế đường ô tô trong phạm vi đô thị được xác định theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật công trình giao thông được cấp thẩm quyền ban hành; tốc độ thiết kế đường giao thông nông thôn được xác định theo Tiêu chí về giao thông nông thôn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Dự thảo Thông tư cũng đưa ra quy định mặt đường (phần xe chạy) mỗi chiều trên đường cao tốc hoàn chỉnh tối thiểu là 2 làn xe/mỗi chiều và phải đảm bảo đủ năng lực thông hành cho lưu lượng xe tính toán. Các cầu trên đường cao tốc phải bố trí đủ các yếu tố mặt cắt ngang như với đoạn đường liền kề, bề rộng cầu không được hẹp hơn bề rộng đường liền kề.
Riêng với công trình hầm, dự thảo thông tư quy định các hầm có chiều dài dưới 1.000m không phải bố trí điểm dừng xe khẩn cấp. Hầm có chiều dài từ 1.000m trở lên phải bố trí điểm dừng xe khẩn cấp từng đoạn dài tối thiểu 30m cách nhau tối đa 500m, bề rộng làn dừng xe tùy thuộc theo từng cấp đường cao tốc.
Ngoài ra, đối với việc thiết kế khu vực giao nhau khác mức và các đường nhánh ra, vào đường cao tốc từ phía phải, phải thiết kế giao cắt khác mức (trực thông hoặc liên thông) tại các vị trí đường cao tốc giao với các loại đường khác (đường sắt, đường ống, các loại đường bộ cấp hạng khác nhau, đường dân sinh).
Tại vị trí giao cắt khác mức, phải đảm bảo giới hạn tĩnh không (có xét đến quy hoạch trong tương lai) của đường bên dưới. Vị trí các nút giao khác mức liên thông và các chỗ cho đường nhánh trực tiếp ra, vào đường cao tốc phải được xác định ở giai đoạn thiết kế lập dự án toàn tuyến, không được tùy tiện thêm, bớt ở các giai đoạn thiết kế sau. Khoảng cách tối thiểu giữa các chỗ giao khác mức liên thông và các chỗ ra, vào từ phía phải là 4km.