Diện mạo giao thông Thủ đô từng bước hiện đại, đồng bộ

 
Chia sẻ

Từ góc độ của một chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực giao thông, TS. Phạm Hoài Chung (Viện Chiến lược và phát triển GTVT - Bộ GTVT) cho rằng diện mạo giao thông Thủ đô đang từng bước hiện đại, đồng bộ. Tuy nhiên, cần có nhiều giải pháp ưu tiên đầu tư cho vấn đề giao thông mới có thể đáp ứng nhu cầu của người dân.

Dien mao giao thong Thu do tung buoc hien dai, dong bo - Hinh anh 1
TS. Phạm Hoài Chung. Ảnh: VGP/Hoài Anh

Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2016-2020” được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong năm 2018. Trên cơ sở đó, Thành phố đã coi phát triển hạ tầng giao thông là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm qua.

Nhân dịp bước sang năm mới, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Hoài Chung, Viện Chiến lược và phát triển Giao thông vận tải (GTVT) - Bộ GTVT về bức tranh toàn cảnh hạ tầng giao thông hiện nay của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn hiện nay.

Từ góc độ của một chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực giao thông, bức tranh toàn cảnh của hạ tầng giao thông Thủ đô Hà Nội theo ông đánh giá hiện nay như thế nào?

TS. Phạm Hoài Chung: Trong giai đoạn vừa qua, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương chủ động, quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng và việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư đã tạo ra diện mạo giao thông đô thị từng bước hiện đại, đồng bộ. Cụ thể ở việc hoàn thành các dự án giao thông quan trọng như: Đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình, tuyến Hà Nội-Thái Nguyên, Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Lạng Sơn, QL5 kéo dài, Vành đai 3 trên cao, đường Nhật Tân - Nội Bài; các cầu Vĩnh Thịnh, Phù Đổng 2, Nhật Tân; Nhà ga T2-Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nút giao thông Thanh Xuân và nút giao thông Trung Hòa (sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản); đường Vành đai 2, đoạn Nhật Tân-Cầu Giấy (nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới); nút giao trung tâm quận Long Biên (triển khai theo hình thức hợp đồng BT)… Đây đều là những công trình đường bộ, nút giao, hầm chui quy mô lớn, hiện đại, quá trình thi công đòi hỏi trình độ công nghệ rất cao.

Thành phố cũng đã ưu tiên nguồn lực chủ động đầu tư xây dựng và hoàn thành một số công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng như cầu Đông Trù, đường 5 kéo dài, QL 32, kết nối các đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, cầu Mỗ Lao, đường Trần Phú-Kim Mã, 12 cây cầu vượt bằng thép tại các nút giao thông với tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng, đầu tư xây dựng Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông...

Bên cạnh đó, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được Thành phố xác định vẫn tiếp tục là khâu đột phá trong các năm tiếp theo gắn với việc triển khai nhiều công trình giao thông trọng điểm, tăng tính kết nối của mạng lưới giao thông đô thị, giảm áp lực ùn tắc giao thông. Đây cũng đang là vấn nạn của các siêu đô thị như: vành đai 4, vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long, hoàn thành nâng cấp tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ giai đoạn 2, tiếp tục đầu tư và đưa vào khai thác một số tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch như tuyến số 1, 2A, 3…

Có thể nói, hạ tầng giao thông Thủ đô Hà giai đoạn 2010-2017 có những bước phát triển vượt bậc, thực hiện đúng phương châm “hạ tầng giao thông đi trước một bước” với hàng loạt công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác, việc hình thành những công trình giao thông trong giai đoạn vừa qua đã nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô Hà Nội, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, phát triển KT-XH, từng bước tạo diện mạo đô thị văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, không có nghĩa là hệ thống hạ tầng giao thông đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, theo số liệu thống kê hiện nay tỷ lệ đất dành cho giao thông của Thành phố còn quá thấp so với nhu cầu, mới đạt 8,65% so với đất xây dựng đô thị trong khi yêu cầu phải đảm bảo từ 20-26%; tốc độ tăng về chiều dài đường đô thị còn thấp so với tốc độ tăng trưởng phương tiện là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.

Do vậy, theo tôi cần nhanh chóng tập trung hoàn thiện các tuyến vành đai 2 trên cao, vành đai 3, các tuyến đường sắt đô thị, hệ thống các bến xe đầu mối, các điểm trung chuyển lớn, đầu mối vận tải như ga Hà Nội, ga đường sắt đô thị trên các tuyến phải  đảm bảo kết nối các loại hình buýt, taxi… để giảm ùn tắc giao thông, giảm lưu lượng phương tiện quá cảnh qua địa bàn Thủ đô; Việc triển khai kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng theo quy hoạch cần có các chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ, cơ chế đột phá thì mới hiệu quả.

Thưa ông, năm 2018 nhiều đề án quan trọng liên quan đến hạ tầng giao thông Thành phố đã được Hà Nội trình lên HĐND Thành phố thông qua. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối vấn đề cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông trên của Thành phố trong những năm tới?

TS. Phạm Hoài Chung: Trong thời gian qua, Thành phố đã triển khai được nhiều đề án quan trọng tác động lớn đến hệ thống giao thông vận tải Thủ đô như: Đề án “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Đề án thành lập Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng (PTA); Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông; Quy chế quản lý taxi...

Đây là những đề án cụ thể nằm trong Đề án tổng thể “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2030”. Với từng đề án đều đưa ra được lộ trình và giải pháp cụ thể để thực hiện đã được HĐND Thành phố thông qua.

Nếu thực hiện được tốt, đúng các giải pháp sẽ góp phần cải thiện tình trạng giao thông hiện nay mà Thành phố đang phải đối mặt (ùn tắc gia tăng, tốc độ tăng trưởng phương tiện cá nhân tăng cao trong khi hạ tầng không đáp ứng đủ, vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân…). Hy vọng các giải pháp của đề án được thực hiện một cách căn cơ, có cơ sở khoa học thực tiễn để góp phần giảm ùn tắc giao thông trong thời gian tới.

Xin ông cho biết dự báo về tình hình giao thông tại Hà Nội trong năm 2019 cũng như những năm tới? Những vấn đề về giao thông vận tải nên được thành phố Hà Nội ưu tiên là gì, thưa ông?

TS. Phạm Hoài Chung: Năm 2019, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (2A) dài 13,1 km đầu tiên của nước ta và của Thành phố sẽ đi vào hoạt động. Đây là điểm sáng đáng chú ý trong sự phát triển của vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn MRT. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để kết nối đồng bộ với vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tăng nhằm tăng cường giao thông tiếp cận đối, kết nối phát huy hiệu quả chung của lực lượng vận tải hành khách công cộng.

Việc đang triển khai tiếp tục các trục giao thông chính như: Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở-Vĩnh Tuy); vành đai 3 (Mai Dịch-cầu Thăng Long)… khi hoàn thành sẽ cơ bản giải quyết nhu cầu giao thông quá cảnh giảm áp lực một phần cho giao thông nội đô. Nhưng với mật độ dân số gia tăng nhanh, tốc độ đô thị hoá mạnh thì Hà Nội vẫn trở thành siêu đô thị khoảng 10 triệu dân, do đó, tôi cho rằng, áp lực về ùn tắc giao thông vẫn đã và sẽ xảy ra trong ngắn hạn và cần phải có các giải pháp ưu tiên mạnh mẽ. Theo đó Hà Nội cần nghiên cứu các giải pháp để kiểm soát mật độ phương tiện tham gia giao thông trong nội đô thông qua biện pháp  hành chính, kinh tế: thu phí đỗ xe cao, ứng dụng công nghệ trong quản lý đỗ xe thông minh.

Bên cạnh đó rà soát, bố trí lại mạng lưới xe buýt, đa dạng hoá phương tiện phù hợp với điều kiện có vận tải khách công cộng khối lượng lớn MRT (điều chỉnh lộ trình, bổ sung mini buýt khai thác các tuyến phố nhỏ hẹp theo loại hình buýt gom, nâng cao chất lượng phục vụ…).

Nghiên cứu phân vùng hạn chế hoạt động xe máy phù hợp với năng lực của vận tải hành khách công cộng và năng lực hạ tầng giao thông.

Đầu tư, hiện đại hoá ngay hệ thống giao thông thông minh trong việc quản lý, điều hành tại trung tâm Điều hành vận tải hành khách công cộng của Thành phố nhằm quản lý, theo dõi, tối ưu chuyến đi góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Đột phá trong huy động vốn đầu tư hạ tầng giao thông bằng nguồn vốn ngoài ngân sách theo hình thức PPP là tiền đề phát triển mạng lưới giao thông đô thị hiện đại: như việc đầu tư tuyến đường trên cao vành đai 2 (Ngã Tư Sở- Vĩnh Tuy); các nút giao thông do một số tập đoàn lớn đầu tư xây dựng… thông qua hình thức xã hội hoá đầu tư.

Xin cảm ơn ông!

Theo Baochinhphu.vn

Tin liên quan