Điều gì gây khó việc bỏ barie thu phí không dừng?

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Theo kế hoạch, hệ thống thu phí không dừng (ETC) được triển khai theo 3 giai đoạn lớn: giai đoạn 1 (đơn làn ETC có barie) thực hiện từ năm 2016 đến năm 2023. Giai đoạn 2 (đơn làn tự do ETC, không có barie) dự kiến thực hiện từ năm 2024 - 2025. Giai đoạn 3 (đa làn tự do ETC, không có barie) dự kiến thực hiện từ năm 2026 trở đi.

Dieu gi gay kho viec bo barie thu phi khong dung? - Hinh anh 1
Trạm thu phí cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Ảnh: TP

Dự kiến triển khai thu phí đơn làn tự do ETC, không có barie

Năm nay là thời gian dự kiến về thu phí không dừng của giai đoạn 2 sẽ triển khai đơn làn tự do ETC, không có barie. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trình Chính phủ về dự án ETC, từ năm 2015, thu phí không dừng đã được triển khai đại trà trên đường cao tốc, quốc lộ.

Hiện nay, hệ thống thu phí điện tử không dừng đã đạt được mục tiêu 100% các đơn làn ETC có barie trên các tuyến đường cao tốc được phép thu phí. Triển khai ETC tại tất cả các trạm thu phí BOT, được vận hành đồng bộ trên toàn quốc. Trong đó, các tuyến cao tốc được tổ chức thu phí không dừng hoàn toàn. Tính đến ngày 15/4/2024, số lượng các phương tiện dán thẻ, mở tài khoản thu phí đạt gần 5,5 triệu xe, tương đương khoảng 97% tổng số phương tiện.

Theo lộ trình dự kiến, năm nay sẽ bắt đầu thực hiện thu phí không dừng bỏ barie. Bộ GTVT cho hay, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đã được chấp thuận thí điểm mô hình thu phí điện tử không dừng bỏ barie đầu vào. Theo đó, đầu vào ETC đa làn tự do (không có barie), còn đầu ra ETC đơn làn (có barie), không có làn thu phí MTC (hệ thống thu phí một dừng, sử dụng mã vạch). Dự án Nha Trang - Cam Lâm đã lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí theo mô hình thí điểm, đánh giá chỉ số hiệu năng vận hành (KPI) hệ thống thu phí điện tử không dừng. Kết quả triển khai vận hành thử cơ bản đã đáp ứng được các chỉ số theo yêu cầu.

Tiếp đó, Bộ cho phép thí điểm mô hình này tại các dự án thành phần cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Các dự án này hiện đang triển khai lắp đặt hệ thống thu phí theo mô hình thí điểm. Theo Bộ GTVT, việc chuyển từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 được xác định là khó khăn nhất, bởi cần có hành lang pháp lý chuẩn, không chỉ là xác định đơn vị gánh chịu rủi ro khi chủ phương tiện nợ đọng tiền phí, mà còn là hành lang pháp lý và cơ chế phối hợp để truy thu chủ phương tiện chây ì trong việc trả phí.

Bộ GTVT cho biết, để đáp ứng việc chuyển đổi sang giai đoạn 2 (đơn làn tự do ETC) và giai đoạn 3 (đa làn tự do ETC), Bộ đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan sửa đổi, bổ sung các quy định về hình thức thu phí không dừng cũng như những quy định pháp luật liên quan.

Khi Luật Đường bộ và các văn bản dưới luật được thông qua, có hiệu lực sẽ là cơ sở để triển khai hình thức thu phí điện tử đơn làn, đa làn tự do theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; mở rộng dịch vụ thu phí không dừng đường bộ đối với các dịch vụ giao thông khác như thu phí cảng hàng không, sân bay, cảng biển, bãi đỗ xe, phí bảo hiểm, phí đăng kiểm…

Dieu gi gay kho viec bo barie thu phi khong dung? - Hinh anh 2

Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Ảnh: Khánh Huy

Đợi cơ chế để chuyển sang thu phí bỏ barie

Theo các chuyên gia nhận định, mặc dù số phương tiện dán thẻ thu phí không dừng đã đạt trên 90%, đủ điều kiện để chuyển sang giai đoạn 2 thu phí không dừng, bỏ barie, song đến thời điểm này, các quy định pháp luật liên quan vẫn chưa được đưa ra. Nếu bỏ được barie thì tốt, để các xe lưu thông dễ hơn là dừng chờ. Tuy nhiên, nếu barie được dỡ bỏ, không ít người bày tỏ băn khoăn về cách xử lý với những chủ phương tiện cố tình trốn phí.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc chuyển sang giai đoạn 2 cho phép chủ phương tiện trả sau hay giai đoạn 3 bỏ barie không khó, quan trọng nhất vẫn là hành lang pháp lý thu hồi nợ, trả sau. Khi chấp nhận chính sách này, ngân hàng và DN BOT không thể đòi tiền trong ngày. Vậy có tính nợ chậm trả là nợ xấu hay không? Muốn làm được điều này cần vai trò điều phối của Nhà nước. Còn để ngăn tình trạng trốn phí, hệ thống camera sẽ ghi nhận biển số và gửi hóa đơn về tận nhà chủ phương tiện. Đối với các trường hợp cố tình chây ì, ngoài tiền phí còn phải chịu thêm lãi suất chậm thanh toán. Thậm chí, khi chủ phương tiện thiếu phí nhiều lần, các trạm thu phí có thể từ chối phục vụ. Để làm được, cần hệ thống dữ liệu để biết được họ thiếu bao nhiêu và có chế tài truy ra được.

Vì thế, cần xem xét xây dựng dữ liệu thông tin của từng phương tiện, cập nhật đầy đủ số tiền phí còn nợ đọng, từ đó có cơ chế xử lý thông qua sự phối hợp với lực lượng CSGT và đăng kiểm. Về việc đề xuất chế tài thế nào để ngăn chặn việc các bác tài hết tiền vẫn cứ phi qua trạm. Bên thu phí không dừng nên liên kết với bên đăng kiểm, giống phạt nguội, đăng kiểm sẽ lộ lỗi ra.

Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam (VDTC) - đơn vị đang vận hành 39 trạm thu phí cho biết, tỷ lệ phương tiện ô tô dán thẻ thu phí không dừng qua các trạm đạt khoảng 86% - 87%, trong đó, 2 trạm có tỷ lệ đạt khoảng 96%. Đơn vị đã sẵn sàng về mặt công nghệ để tiến hành thu phí không dừng chuyển sang giai đoạn tiếp theo, nhưng phải chờ những quy định cụ thể được cơ quan Nhà nước ban hành. Trả sau về mặt công nghệ đã sẵn sàng, nhưng tính pháp lý thì Bộ GTVT cùng Nhà nước phải có quy định để truy thu. Hiện có khoảng 2% - 3% lượng phương tiện không đủ tiền trong tài khoản vẫn qua các trạm thu phí không dừng. Do đó, nếu bỏ barie, với những trường hợp cố tình không trả phí, xe đổi chủ nhiều lần, xe nước ngoài quá cảnh Việt Nam… thì việc thực hiện cưỡng chế thu phí có thể gặp khó do thủ tục và chi phí thực hiện có thể cao hơn số tiền thu được.

Ông Tô Nam Toàn - Trưởng Phòng Khoa học, công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam) đưa ra một số phương án: thứ nhất là cơ chế tài chính cho dự án BOT, liên quan nhà đầu tư BOT, ngân hàng cung cấp tín dụng phải đàm phán lại hợp đồng. Thứ hai là chế tài xử lý đối với những trường hợp trả sau không chịu tuân thủ. Cơ chế thứ nhất đang đề xuất xây dựng trong nghị định về thu phí phương tiện cơ giới đường bộ, thứ hai là sửa đổi nghị định xử phạt trong lĩnh vực đường bộ. Tóm lại, bây giờ phải đợi cơ chế để chuyển sang thu phí bỏ barie.

Thái Phương

Tin liên quan