Đồng bộ mạng lưới giao thông cả nước: Tạo đà phát triển kinh tế

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông mang tính kết nối nhằm tạo đà thông thương và phát triển các trục kinh tế, vùng kinh tế luôn là mục tiêu tối thượng của ngành GTVT xuyên suốt trong những năm qua.

Sau nhiều năm, với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, nhất là các dự án đường cao tốc xuất hiện trên khắp cả nước, một mạng lưới giao thông đồng bộ và hiện đại đang dần được hình thành.
Nhiều trục giao thông chính đang dần hoàn thiện
Hệ thống giao thông đường bộ nước ta từ lâu đã được quy hoạch theo cả hai trục ngang và dọc. Các trục chính này sẽ hợp thành với “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam tạo thành một mạng lưới giao thông đồng bộ và khép kín.
Trong đó, những trục dọc ở phía Bắc chính là những tuyến cao tốc đã và đang được hình thành. Lấy tâm điểm từ Hà Nội là những cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La.
Trong đó, tuyến Nội Bài - Lào Cai là tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam. Việc đưa dự án vào khai thác từ tháng 9/2014 đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Bắc, đặc biệt là vùng Tây Bắc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thúc đẩy quá trình giao thương.
Sự ra đời của cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã giúp giảm thời gian đi lại giữa Hà Nội và Lào Cai từ 7 giờ xuống còn 3,5 giờ, từ Hà Nội đi Yên Bái xuống còn hơn 2 giờ và cũng rút ngắn một nửa thời gian đi lại với các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ... so với lưu thông trên các tuyến hiện hữu. Tuyến đường được khai thông giúp ngành du lịch của các tỉnh khu vực phía Bắc phát triển.
Đặc biệt, cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã kết nối Hà Nội với Hải Phòng, đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu tạo thành tuyến cao tốc Côn Minh - Hải Phòng, góp phần phát triển hai hành lang và một vành đai kinh tế.
Trong khi đó, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tổng chiều dài trên 50km đã được thông xe toàn tuyến vào tháng 7/2012 nối liền với tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, tạo ra tuyến đường cao tốc dài 74km từ Pháp Vân (Hà Nội) đến Cao Bồ (Nam Định). Tuyến cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung của các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ.
Đặc biệt, sự có mặt của tuyến cao tốc này không những giúp giảm tải cho tuyến QL1A mà còn thúc đẩy giao thương giữa trung tâm Hà Nội với các tỉnh lân cận, tạo thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa các tỉnh lân cận trong khu vực, rút ngắn thời gian di chuyển.
Quan trọng hơn, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và khu vực miền núi phía Bắc, tăng cường giao lưu, giao thương hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ cũng như Bắc Trung Bộ.
Những tuyến cao tốc còn lại, có những tuyến đã hoàn thành như Hà Nội - Hải Phòng hay hoàn thành được một phần như Nội Bài - Hạ Long - Móng Cái đã hoàn thành đoạn Hạ Long - Vân Đồn; Hà Nội – Lạng Sơn đã hoàn thành đoạn Hà Nội - Chi Lăng; Hà Nội - Hòa Bình đã hoàn thành toàn bộ đoạn Láng - Hòa Bình... đều phát huy hiệu quả ngay sau khi được đưa vào sử dụng. Tất cả những tuyến cao tốc này kết hợp với 4 trục ngang là 4 dự án là QL4C, QL4D, QL279 và QL37 giúp mạng lưới giao thông phía Bắc trở nên hoàn chỉnh và đồng bộ.
“Xương sống” từ “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam
Nói đến sự phát triển của mạng lưới giao thông đường bộ nước ta trong những năm gần đây, không thể không nhắc đến “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam. Với chiều dài lên tới 1.811km, điểm đầu là nút giao Pháp Vân (Hà Nội), điểm cuối là nút giao Chà Và (Cần Thơ). Các điểm khống chế của tuyến đường bộ cao tốc đã được xác định, nằm trong hành lang giao thông phía Đông, chạy gần như song song với QL1A hiện tại cũng đang được nâng cấp mở rộng.
Ngay từ khi dự án đang còn nằm trên giấy, dư luận và giới chuyên gia đều rất kỳ vọng vào “siêu dự án” này. Nhiều người còn ví von rằng, nếu coi mạng lưới giao thông đường bộ ở Việt Nam là một cơ thể hoàn chỉnh thì cao tốc Bắc - Nam được đánh giá là “xương sống” của cơ thể đó.
Trên thực tế, nhiều phân đoạn của dự án là những tuyến cao tốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ trước như cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Cùng với đó, nhiều phân đoạn cao tốc khác cũng đang trong quá trình triển khai. Đặc biệt, vừa qua, Chính phủ đã đồng ý chuyển 8 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết bài toán về huy động vốn đầu tư và thúc đẩy tiến độ triển khai cũng như hoàn thành những dự án này. Hiện nay, tất cả các địa phương có dự án đi qua đều đang gấp rút thực hiện công tác GPMB để kịp thời bàn giao cho dự án theo đúng kế hoạch.
Trong thời gian qua, cả nước đang phải gồng mình lên chống chọi với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tiến độ của những dự án giao thông trọng điểm của quốc gia vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào một ngày không xa, khi những dự án giao thông này hoàn thành, một mạng lưới giao thông đồng bộ và hiện đại sẽ được hoàn thiện, tạo đà thông thương và phát triển các trục kinh tế, vùng kinh tế trên cả nước.
Ngày 16/9/2019, phát biểu trong buổi lễ khởi công dự án đầu tiên trong “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam là cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Cao tốc Bắc - Nam có vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh, TP, vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp vào phát triển đất nước, nâng cao đời sống Nhân dân. Đặc biệt, có cao tốc, chúng ta sẽ giảm chi phí, nhất là chi phí lao động, sản phẩm, tạo điều kiện cho cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng".

Quý Nguyễn

Tin liên quan

Tin đọc nhiều

Giao thông 24h