Ngày 24/5, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã chủ trì cuộc họp tập thể lãnh đạo UBND thành phố nghe báo cáo về dự thảo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Ảnh minh họa
|
Để hoàn chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn, trình HĐND thành phố tại kỳ họp giữa năm 2021 bảo đảm chất lượng, tiến độ, Chủ tịch UBND thành phố kết luận, chỉ đạo giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành; chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 23-5-2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Về kết quả thực hiện Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước Hà Nội và các chủ đầu tư rà soát, cập nhật đầy đủ danh mục các dự án chuyển tiếp, lũy kế giải ngân đến hết ngày 31-1-2021 để xác định chính xác nhu cầu vốn cho các dự án chuyển tiếp trong giai đoạn 2021-2025.
Về nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025, cơ bản thống nhất với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về tổng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, làm cơ sở cho các đơn vị xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan cập nhập Kế hoạch số 85/KD-UBND ngày 31-3-2021 của UBND thành phố về việc đấu thầu quyền sử dụng đất năm 2021 và giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội; đồng thời phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đánh giá toàn diện khả năng huy động nguồn lực từ đất đai cho cả giai đoạn 2021-2025, rà soát khả năng cân đối từ các nguồn…
Về việc hoàn thiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, do nguồn lực đầu tư có hạn, các đơn vị quán triệt tinh thần: Các dự án trong từng ngành, lĩnh vực đề xuất đưa vào kế hoạch đầu tư công phải là dự án có thứ tự ưu tiên cao nhất, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách; cụ thể hóa chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII bằng danh mục dự án trong từng ngành, lĩnh vực. Đối với các dự án chuyển tiếp, cần rà soát, đánh giá mức độ hiệu quả, tính khả thi và tiến độ triển khai thực hiện để đề xuất mức vốn bố trí cho phù hợp; trường hợp cần thiết có thể đề xuất việc đình, giãn, hoãn dự án (nếu có).
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở chuyên ngành tiếp tục rà soát, xác định đầy đủ nhiệm vụ bắt buộc, cần thiết phải sử dụng nguồn vốn đầu tư để chủ động cân đối, bố trí vốn, tránh phát sinh, bổ sung, bị động trong quá trình điều hành kế hoạch; bố trí vốn cho các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên, trước khi tính toán phân bổ cho các dự án khởi công mới.
Về việc giao chủ đầu tư các dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở chuyên ngành đề xuất nguyên tắc giao chủ đầu tư dự án cho phù hợp, “kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin-cho, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. UBND thành phố sẽ xem xét xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Việc xem xét giao UBND các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư các dự án sử dụng ngân sách cấp thành phố phải phù hợp với năng lực quản lý, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng công trình…