Tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Thành Đạt
|
Phát sinh tình huống chưa từng có tiền lệ
Dù được phê duyệt vào tháng 4/2009, nhưng Dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội phải đợi đến tháng 9/2010 mới được khởi công; đến năm 2013 tiếp tục được điều chỉnh. Giai đoạn từ năm 2009 - 2016, dự án gần như giậm chân tại chỗ, đặc biệt công tác GPMB có lúc tưởng như lâm vào bế tắc. Bên cạnh đó, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, bộ máy lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên của Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội trong giai đoạn này có nhiều biến động, không đáp ứng được kỳ vọng của TP cũng như không thúc đẩy được tiến độ dự án.
Dự án ĐSĐT Nhổn – Ga Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh tiến độ từ năm 2018 kéo dài đến 2022 tại Quyết định số 1800/QĐ-TTg ngày 21/12/2018. Dự án cũng đã được phép tách đoạn tuyến trên cao Nhổn - Cầu Giấy ra hoàn thành để đưa vào sử dụng trước, nhằm khai thác một cách hiệu quả, thiết thực trong khi vẫn song hành thi công đoạn tuyến đi ngầm từ Kim Mã đến Trần Hưng Đạo.
|
Từ năm 2016, khi đại diện chủ đầu tư - Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội được thổi một làn gió mới về nhân sự từ cấp lãnh đạo xuống đến nhân viên, dự án mới thực sự vào guồng quay mạnh mẽ. Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc vốn đã tồn tại nhiều năm, không thể giải quyết trong một thời gian ngắn. Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, dự án gặp khó khăn nhất là khâu GPMB. “Do công tác quản lý đô thị không tốt, người dân lấn chiếm chỉ giới, việc thi công công trình ngầm nổi không đúng bản vẽ được duyệt… dẫn đến công tác GPMB trở nên vô cùng phức tạp, phải điều chỉnh nhiều lần, mất rất nhiều thời gian” - ông Hiếu chia sẻ.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng, việc chậm GPMB cũng gây tác động tiêu cực. Bởi chính sách bồi thường, hỗ trợ khi GPMB đã có nhiều thay đổi trong cả một thời gian hơn 11 năm qua. Chính sách sau có lợi hơn trước, khiến không ít trường hợp người dân trước đây đồng thuận, nhưng hiện nay lại không đồng ý nhận bồi thường, bàn giao mặt bằng.
Bên cạnh đó, do dự án mới là lần đầu tiên Hà Nội thí điểm đầu tư một công trình quy mô lớn, tầm cỡ như ĐSĐT nên nhiều vấn đề ngay cả chính sách, pháp luật cũng chưa có hướng dẫn giải quyết. Ví dụ, việc xây dựng hồ sơ mời thầu đối với các gói thầu của dự án, đặc biệt các gói thầu thiết bị, quá trình thực hiện có khá nhiều nội dung cần phải rà soát, đối chiếu thậm chí phát sinh tình huống chưa từng có tiền lệ, cũng không có quy định cụ thể, phải mất rất nhiều thời gian để thống nhất xử lý. Ngoài ra, kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ cũng làm chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu dẫn đến tiến độ thi công bị ảnh hưởng rõ rệt.
Thực chất không đội vốn
Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội khẳng định, việc điều chỉnh vốn đối với một số hạng mục, gói thầu của dự án là bình thường và không làm thay đổi tổng mức đầu tư. Có những hạng mục được điều chỉnh giảm để bổ sung cho hạng mục khác hoặc sử dụng nguồn dự phòng, chiếm 10% tổng mức đầu tư được duyệt.
Cụ thể, tại Quyết định 4007/QĐ-UBND ngày 28/6/2013 của UBND TP Hà Nội, Dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội có tổng mức đầu tư khoảng 32.910 tỷ đồng. Đến nay, tổng mức đầu tư này không thay đổi. Việc vay bổ sung 20 triệu EUR để thực hiện gói thầu Thẻ vé (CP06) có thể đã khiến dư luận hiểu lầm rằng dự án đội vốn. Trên thực tế, khoản vay này vẫn nằm trong tổng mức đầu tư ban đầu, không làm đội vốn. Đó chỉ là khoản vay được bổ sung trong giai đoạn hiện tại, nhằm đẩy nhanh tiến độ gói thầu đã bị chậm tới 7 tháng do thủ tục này. “Bổ sung nghĩa là đưa thêm vào danh mục giải ngân khoản vay ODA của năm 2020 – 2021 chứ không phải vay thêm 20 triệu EUR nữa” - ông Hiếu lý giải.
Bên cạnh đó, việc nhà thầu thi công có đề nghị bồi thường vì chậm bàn giao mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ là bình thường, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, khoản bồi thường vẫn đang được đặt trên bàn đàm phán và nếu có chi trả cũng nằm trong khoản dự phòng 10% của dự án chứ không làm đội vốn thêm. Tương tự, việc bổ sung chi phí của gói thầu CP01 - Đoạn tuyến trên cao cũng như một số gói thầu khác đều được lấy từ chi phí dự phòng, hoặc chi phí còn dư sau đấu thầu của các gói nên thực chất không làm tăng vốn, đến thời điểm này chưa làm phát sinh khoản vay thêm nào đối với dự án.
Nhiều chuyên gia cho rằng, ĐSĐT là một trong những lĩnh vực mới không chỉ riêng đối với Hà Nội mà cả nước nói chung. Các quy trình, quy phạm liên quan đến ĐSĐT hiện nay của Nhà nước chưa được hoàn thiện đầy đủ. Trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế phải nghiên cứu vận dụng khá nhiều các hệ thống quy trình, quy phạm của nước ngoài, đồng thời phải lấy ý kiến thống nhất của nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau, dẫn đến chậm trễ là bất khả kháng.