Dự án đường vành đai 4, kết nối Vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011 với chiều dài toàn tuyến khoảng 98km, đi qua 14 huyện của 3 tỉnh: Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km) và Bắc Ninh (21,2km).
Đoạn qua Hà Nội có điểm đầu khoảng Km3+695 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đi theo hướng Tây - Nam giao với QL2, và tiếp tục qua Khu đô thị (KĐT) mới Mê Linh; vượt sông Hồng tại vị trí cầu Hồng Hà; giao với QL32 và cắt qua Đại lộ Thăng Long tại Km12+600; giao cắt QL6; đi theo hướng Đông - Nam, giao QL1A và đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, vượt sông Hồng bằng cầu Mễ Sở, rồi giao với QL5.
Hội đồng thẩm định thống nhất các nội dung cơ bản và hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư.
Đồng thời, lãnh đạo các địa phương cũng yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo ý kiến thống nhất của các thành viên, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
|
Hướng tuyến đường Vành đai 4 đi qua các tỉnh và TP Hà Nội. |
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về việc triển khai một số dự án đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, Phó thủ tướng chấp thuận giao UBND TP Hà Nội chuẩn bị đầu tư dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô trên cơ sở đã thống nhất với UBND các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc; thống nhất với Bộ GTVT chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng.
Liên quan đến việc phát triển dự án Vành đai 4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá tình trạng ùn tắc đang rất căng thẳng với nút thắt là các đường vành đai và tuyến đường liên tỉnh, có tính huyết mạch. Vì vậy, cần tập trung nguồn lực để nâng cấp hệ thống giao thông, hạ tầng, cụ thể là đường vành đai 4. Đây là không gian để thu hút đầu tư vô cùng lớn, từng bước giảm chênh lệch phát triển giữa các khu vực của Hà Nội.
Về nguồn lực, lãnh đạo Thành ủy cho hay TP sẽ vận dụng các phương thức huy động mà pháp luật cho phép và trước mắt là phục vụ việc giải phóng mặt bằng. Ông Dũng cũng thông tin Thường trực Thành ủy thống nhất mặt cắt ngang tuyến này sẽ rộng 120m, gồm 2 tầng, phần trên là đường cao tốc, tầng dưới kết nối với hạ tầng đô thị.
Đường vành đai 4 tương lai được tích hợp luôn quy hoạch đường sắt, hai bên đường ngoài 120m mặt cắt ngang, thì cắm mốc giới 200-300m để làm quy hoạch chi tiết 1/500, làm các quy hoạch phân khu.
Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.
Theo kế hoạch trước đó, Vành đai 4 được quy hoạch chạy qua 14 quận, huyện thuộc 3 tỉnh, thành phố. Tổng chiều dài toàn tuyến là 98km, trên diện tích 1.230ha, đi qua Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội. Điểm đầu tuyến tại xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội, điểm cuối tuyến tại xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
|