Theo Bộ GTVT, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức lập và hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cảng hàng không (CHK) Sa Pa và đề xuất đầu tư theo hình thức PPP loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư khoảng 4.194 tỷ đồng. Trong đó UBND tỉnh Lào Cai là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và tham gia vốn góp khoảng 1.196 tỷ đồng (chiếm 28,5%).
|
Theo thiết kế, Cảng hàng không Sa Pa có cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, công suất 3 triệu hành khách/năm, 9 vị trí đỗ tàu bay. |
Dự kiến nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 dành cho Bộ GTVT có hạn, trong khi nhiệm vụ đầu tư phát triển GTVT trong giai đoạn 2021-2025 rất lớn, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án đường cao tốc, các dự án liên kết vùng,… nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trong thời gian tới.
“Do đó, việc UBND tỉnh Lào Cai là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án CHK Sa Pa theo hình thức PPP, có sự tham gia vốn góp từ ngân sách địa phương sẽ giúp Dự án triển khai khả thi và góp phần làm giảm áp lực lên ngân sách Nhà nước”, đại diện Bộ GTVT nêu quan điểm.
Tuy vậy, Bộ GTVT lưu ý UBND tỉnh Lào Cai việc dòng tiền 8 năm đầu bị âm, tức là không đủ để trả lãi vay và gốc khoản vay. Do vậy, Bộ GTVT đề nghị rà soát tỷ lệ vốn chủ sở hữu hoặc vốn góp của địa phương để đảm bảo tính khả thi của dự án.
Ngoài ra, theo tính toán của Tư vấn, dự kiến đến năm 2035 sẽ thực hiện đầu tư nâng công suất lên 3 triệu hành khách/năm bằng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư mà không dùng vốn vay.
Trước đó, tại văn bản trình Chính phủ về Dự án CHK Sapa, tỉnh Lào Cai cho biết, dự án có tỉ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) 11,02 %, tỉ suất lợi ích - chi phí (B/C): 1.033; tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) 11,7%. Thời gian hợp đồng dự án: 50 năm. Trong đó, thời gian xây dựng dự kiến 4 năm. Thời gian vận hành, khai thác và thu phí hoàn vốn là 46 năm.