Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ngoài tiến độ cũng cần phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng công trình để tránh việc vừa sửa xong chưa được bao lâu, đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất lại hỏng và phải sửa tiếp.
Thi công xuyên đêm
Dự án cải tạo nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất chính thức triển khai từ đầu tháng 7/2020. Tính đến nay, dự án đã trải qua hơn một tháng thi công với nhiều tín hiệu khả quan về tiến độ. Tại sân bay Nội Bài, từ lúc khởi công đến nay, đại diện nhà đầu tư là Ban Quản lý Dự án Thăng Long đã chỉ đạo các nhà thầu thi công xuyên đêm để rút đẩy nhanh tiến độ một cách nhanh nhất.
Các đơn vị thi công như Tổng Công ty Xây dựng Hàng không (ACC), Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (VINADIC) - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã huy động hàng loạt máy móc, thiết bị, nhân lực, vật liệu bảo đảm cho công việc diễn ra liên tục cả ngày lẫn đêm. Đến sân bay Nội Bài vào những ngày này có thể cảm nhận một cách rõ rệt không khí lao động khẩn trương ở từng hạng mục trên công trường.
Tiến độ dự án sửa đường băng hai sân bay đang được đẩy nhanh. Ảnh: Đình Quang
|
Đánh giá về tiến độ dự án sửa chữa, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long Dương Viết Roãn cho biết, với tiến độ thi công như hiện tại, dự án hoàn toàn có thể hoàn thành trong vòng 18 tháng, tức là rút ngắn được đến 8 tháng so với yêu cầu của Bộ GTVT. “Trong đó, giai đoạn 1 của dự án (từ 1/7 – 31/12/2020) sẽ hoàn thành nghiệm thu, bàn giao đưa 3.000m đường cất hạ cánh 1B (từ S2- S7) vào khai thác phục vụ Tết Nguyên đán năm 2021. Từ ngày 1/1/2021 đến 31/12/2021, hoàn thành giai đoạn 2 nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác trước Tết Nguyên đán năm 2022” – ông Roãn cho hay.
Dù tiến độ dự án sửa chữa, nâng cấp đường băng hai sân bay đang đi đúng hướng và bảo đảm với kế hoạch đề ra, song lãnh đạo Bộ GTVT vẫn tỏ ra thận trọng và liên tục có những chỉ đạo nóng. Mới đây nhất, trong Hội nghị đánh giá kết quả công tác tháng 7, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 8/2020, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã lưu ý các đơn vị, phải khẩn trương triển khai dự án nâng cấp đường băng hai sân bay, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để bảo đảm đúng tiến độ.
Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh, dù tiến độ hai dự án này hiện vẫn đang đáp ứng nhu cầu đặt ra nhưng tuyệt đối không được có tâm lý thỏa mãn, chủ quan. Người đứng đầu Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị thực hiện dự án, phải báo cáo ngay lên Bộ khi có bất cứ vướng mắc nào phát sinh.
“Tháng 12 năm nay chắc chắn phải đưa vào vận hành 2 đường băng tại đây, kịp thời phục vụ mùa cao điểm Tết. Dự án này kéo dài ngày nào là thêm bức xúc ngày đó” – ông Thể nói và khẳng định quan điểm của lãnh đạo Bộ GTVT luôn sẵn sàng lắng nghe và tìm phương án tháo gỡ bất cứ khi nào dự án có bất cập, vướng mắc phát sinh.
Đừng chỉ chạy theo tiến độ
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chuyên gia Giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhìn nhận, thực tế trong thời gian đầu triển khai dự án đã cho thấy những khó khăn, bất cập đã liên tục phát sinh. Trong đó, vấn đề lớn nhất là công tác bảo đảm an toàn bay cũng như tỉ lệ chậm, hủy chuyến bay.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Chuyên gia Hàng không cho rằng, dự án được triển khai trùng với cao điểm hè của du lịch và vận tải hành khách. Các hãng hàng không liên tục mở thêm đường bay nội địa, tăng cường chuyến khiến cho hầu hết các sân bay, đặc biệt là sân bay lớn như Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị quá tải.
Việc sửa chữa đường băng trong bối cảnh đó đương nhiên cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo Chuyên gia Hàng không này, với việc Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại từ cuối tháng 7/2020 vừa qua, nhiều đường bay nội địa dừng hoạt động, các sân bay sẽ trở nên thông thoáng hơn. Đây là điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ dự án sửa đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Phân tích thêm ở một khía cạnh khác, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, lâu nay dư luận chủ yếu quan tâm đến tiến độ dự án sửa chữa đường băng hai sân bay mà quên đi một điều không kém phần quan trọng, đó chính là chất lượng công trình.
“Đây là điều vô cùng quan trọng đối với bất kỳ dự án hạ tầng giao thông nào. Tiến độ dự án được đẩy nhanh hơn là điều tốt nhưng tiến độ phải đi đôi với chất lượng” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định. Vấn đề được ông Tống đưa ra liên quan đến việc đường băng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất mới được nâng cấp khoảng 5 năm trước nhưng đã nhanh chóng xuống cấp nghiêm trọng đến mức buộc phải sửa chữa, nâng cấp một lần nữa. Đây là điều không bình thường.
Bộ GTVT từng lý giải nguyên nhân khiến đường băng sân bay nhanh chóng xuống cấp là do những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách của ngành hàng không lên tới trên 18%, tập trung chủ yếu ở 2 cảng hàng không lớn là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, việc đổ thừa cho quá tải nên đường băng bị hư hỏng là không chấp nhận được. Theo ông Tống, khi một công trình mới được nâng cấp, sửa chữa chưa được bao lâu đã xuống cấp thì hoặc là công tác duy tu, bảo dưỡng không bảo đảm, hoặc là vật liệu được sử dụng có vấn đề, không phù hợp.
“Tôi cho rằng, song song với việc đốc thúc tiến độ, Bộ GTVT cũng cần quan tâm, giám sát chặt việc thi công để công trình đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất sau khi hoàn thành sẽ bảo đảm chất lượng, chứ cứ vài năm lại sửa một lần thì không được” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh.
"Khi lập dự án, hiệu quả nó phải gắn với vòng đời dự án hay nói cách khác là thời gian sử dụng đường băng. Nếu theo nghĩa này, rõ ràng mục tiêu ban đầu và hiệu quả đạt được là không tốt, mới được khoảng 5 năm đã phải tiến hành sửa chữa lớn." -Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lýkinh tế T.Ư - Võ Trí Thành
|