Chưa thấy lối ra
Sau nhiều bị chậm tiến độ, mới đây, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Chỉ thị số 39/CT-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC). Trong Chỉ thị 39, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh, chậm nhất đến ngày 31/12/2020, các trạm thu phí BOT phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng, trạm nào không thực hiện đúng thời hạn sẽ bị xem xét tạm dừng thu phí.
Bộ GTVT cũng vừa đưa ra những thông tin không mấy khả quan về tình hình triển khai dự án thu phí không dừng. Cụ thể, theo báo cáo từ Bộ GTVT, dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 (BOO2) có tổng số 33 trạm thuộc quản lý của 22 nhà đầu tư BOT nhưng đến nay mới có 9 nhà đầu tư BOT đang quản lý 16 trạm thu phí ký hợp đồng thu phí tự động không dừng với nhà cung cấp dịch vụ. Với tiến độ này, nhiều lo ngại việc triển khai thu phí không dừng giai đoạn 2 có nguy cơ chậm, không thực hiện đúng Quyết định 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Làn thu phí tự động tại trạm BOT cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: Phạm Hùng
|
Theo lý giải của Bộ GTVT, những vướng mắc chính trong việc chậm triển khai thực hiện thu phí không dừng chủ yếu là về hợp đồng. Phía các nhà đầu tư BOT đang đưa ra “yêu sách” rằng họ sẽ chỉ bàn giao trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ lắp thiết bị thu phí không dừng khi đã có văn bản chấp thuận của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng tài trợ vốn cho dự án BOT. “Yêu sách” này thực sự đang làm khó Bộ GTVT trong việc triển khai dự án thu phí không dừng, nhất là trong bối cảnh hiện nay các ngân hàng và tổ chức tín dụng đang siết chặt khoản cho vay đầu tư vào dự án BOT giao thông.
Bên cạnh đó, vẫn còn những điểm vênh nhau trong cách tính doanh thu thu phí bị thất thoát do hành vi vi phạm của các bên, trong vận hành trạm thu phí, mức phí dịch vụ giữa nhà đầu tư BOT và cơ quan quản lý Nhà nước khiến cho dự án liên tục bị tắc.
Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến hợp đồng hay sự thiếu nhất quán về mặt quan điểm giữa nhà đầu tư BOT và cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình triển khai dự án thu phí không dừng vẫn không phải là vướng mắc đáng lo ngại nhất. Câu chuyện dán thẻ E-tag (thẻ thu phí không dừng) cho các phương tiện và những vấn đề nảy sinh xung quanh những chiếc thẻ này cũng đang làm Bộ GTVT hết sức đau đầu. Ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư (PPP) thuộc Bộ GTVT cho biết, hầu hết các văn bản chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến thu phí không dừng đều quy định rất rõ ràng việc chủ xe phải gắn thẻ E-tag để thu phí không dừng cho xe tại lần kiểm định gần nhất.
Thậm chí, trong Quyết định 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng có chỉ đạo việc gắn thẻ đầu cuối được thực hiện tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu phí ủy quyền. Điều này đã được thực hiện từ 3 năm nay. Tuy nhiên, lượng người đến các trung tâm để dán thẻ E-tag ngày càng ít đi, đến mức đã có những trung tâm phải tạm dừng hoạt động bởi Công ty TNHH Thu phí tự động VETC dừng bố trí người.
Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện cả nước mới có khoảng 900.000 trong tổng số 3,5 triệu phương tiện được dán thẻ E-tag, tỷ lệ chủ xe nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng cũng rất thấp, đạt khoảng 20%. Kể cả khi có “chương trình khuyến mãi” miễn phí dán thẻ E-tag lần đầu nhưng số lượng phương tiện dán thẻ này vẫn tăng rất chậm trong thời gian qua.
Bộ GTVT thiếu quyết liệt
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông cho rằng, với hàng loạt vấn đề vướng mắc trong việc triển khai dự án thu phí không dừng như hiện nay, khả năng Bộ GTVT hoàn thành được dự án đúng với tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra là không cao.
“Từ giờ đến cuối năm 2020 chỉ còn hơn 2 tháng nữa trong khi vẫn có tới 13 trạm BOT chưa triển khai được thu phí không dừng. Đó còn chưa kể vấn đề dán thẻ E-tag rồi yêu cầu chủ phương tiện nạp tiền vào thẻ để sử dụng...” – TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định. Theo chuyên gia giao thông này, nguyên nhân sâu xa khiến dự án thu phí không dừng liên tục gặp vướng mắc trong nhiều năm qua chính bởi thái độ thiếu hợp tác của các nhà đầu tư BOT.
“Sự thiếu hợp tác này không phải ngẫu nhiên mà hoàn toàn có chủ đích. Đương nhiên là họ không muốn lắp đặt thu phí không dừng bởi họ sợ công khai, minh bạch. Việc nhiều nhà đầu tư BOT cố tình đưa ra những “yêu sách” quá đáng trong thời gian qua cũng vì họ muốn câu giờ, kéo dài thời gian triển khai dự án mà thôi” – TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích.
Một lý do nữa khiến dự án thu phí không dừng bị chậm tiến độ mà TS Nguyễn Xuân Thủy đưa ra chính là sự thiếu quyết liệt, dứt khoát của Bộ GTVT. Đây là điều khó hiểu và rất khó để lý giải được bởi Bộ GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ trao toàn bộ quyền hành trong việc triển khai dự án này. Thậm chí, khi những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách xuất hiện, Chính phủ cũng lập tức điều chỉnh bằng việc ban hành Quyết định 19/2020 thay thế cho Quyết định 07/2017 và mới đây nhất là Chỉ thị 39/2020.
“Thủ tướng đã rất nhiều lần nhấn mạnh, những trạm BOT nào chậm triển khai thu phí không dừng sẽ bị dừng thu phí. Bộ GTVT cũng không ít lần nhắc đến điều này chưa thấy trạm nào bị dừng thu phí dù dự án đã chậm tiến độ rất nhiều lần” – TS Nguyễn Xuân Thủy khẳng định.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện dán thẻ E-tag. Theo ông Bùi Danh Liên, số lượng phương tiện dán thẻ E-tag như hiện nay là quá ít và chắc chắn số lượng thẻ đã dán được sử dụng sẽ còn ít hơn. Nguyên nhân chính khiến lượng phương tiện dán thẻ E - tag tăng chậm như hiện nay do chưa có chế tài xử phạt đối với những trường hợp không dán.
Bên cạnh đó, việc vẫn duy trì làn thu phí thủ công tại những trạm BOT cũng khiến người dân không mặn mà với thu phí không dừng. “Không phải cái gì mới cũng được người dân đón nhận nếu như cái mới đó không cho thấy sự ưu việt vượt trội hay mang đến lợi ích rõ ràng so với cái cũ. Vấn đề thu phí không dừng cũng vậy thôi. Người dân đang quen với việc trả phí đường bộ bằng phương pháp thủ công rồi” – ông Bùi Danh Liên phân tích.
Theo chuyên gia giao thông này, vẫn biết duy trì làn thu phí thủ công là bởi không phải địa phương nào cũng có đường thu phí và nhiều chủ xe ở miền núi, vùng sâu, hải đảo không có trạm thu phí, không có nhu cầu đi đường có thu phí mà buộc họ dán thẻ thì lãng phí nhưng trong tương lai gần cần sớm xóa bỏ hẳn các làn thu phí thủ công để thay thế toàn bộ bằng thu phí không dừng thì số lượng phương tiện dán thẻ E-tag mới tăng lên.
"Muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí không dừng, Bộ GTVT cần yêu cầu trạm thu phí nào khánh thành, muốn hoạt động phải thu phí tự động; trạm thu phí nào đang hoạt động sẽ có thời gian để triển khai thu phí không dừng, sau đó không thực hiện sẽ phải dừng thu phí. Chỉ cần quy định vậy sẽ chẳng nhà đầu tư nào dám trốn tránh. Vấn đề bây giờ là quyết tâm và trách nhiệm của Bộ GTVT." -Chuyên gia giao thông, PGS.TS Phạm Xuân Mai
|