|
Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 23,04km, trong đó, đoạn đi qua địa phận TP Hà Nội dài khoảng 6,37km; địa phận tỉnh Hòa Bình dài khoảng 16,67km. |
Tại công văn, UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị TP Hà Nội ủng hộ phương án đầu tư mở rộng tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP và xuất chuyển UBND tỉnh Hoà Bình là cơ quan có thẩm quyền đối với dự án và dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình giai đoạn 1. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho UBND tỉnh Hòa Bình có căn cứ, cơ sở, tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư mở rộng dự án Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình mong muốn UBND TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo UBND các huyện: Ba Vì, Thạch Thất hoàn thành việc quyết toán chi phí giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 của dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức BOT gửi Bộ GTVT để làm cơ sở thỏa thuận quyết toán với nhà đầu tư giai đoạn 1. Tỉnh Hòa Bình còn đề xuất Hà Nội phối hợp giải phóng mặt bằng những đoạn dự án đi qua thành phố.
Dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình theo hình thức PPP có tổng chiều dài 23,04km. Trong đó đi qua địa phận Hà Nội khoảng 6,37km và địa phận Hòa Bình dài khoảng 16,67km. Điểm đầu của dự án này nằm ở Km0 tại điểm đầu dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình hiện trạng (km6+680 trên đường Láng – Hòa Lạc, giao với đường Hòa Lạc – Làng Văn hóa các dân tộc (Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội). Điểm cuối dự án nằm ở Km23+040 tại vị trí điểm giao cắt giữa đường Hòa Lạc- Hòa Bình hiện trạng và Quốc lộ 6 (Km64+940). UBND tỉnh Hòa Bình, địa phương có phần dự án lớn hơn đi qua đã trình Chính phủ giao địa phương đầu tư tuyến đường này và Chính phủ yêu cầu Hòa Bình lấy ý kiến thống nhất của Hà Nội để có cơ sở báo cáo lên Thủ tướng.
Dự kiến, tuyến đường mở rộng phía Tây Hà Nội và Hòa Bình là cao tốc quy mô 6 làn xe, có dự trữ quỹ đất 2 bên đường cho dự án xây dựng đường sắt liên vùng trong tương lai. Hiện trạng tuyến đường đã có 2 làn xe nên trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ thực hiện việc đầu tư mở rộng luôn 4 tuyến còn lại.
Với tổng mức đầu tư dự kiến 8.168 tỉ đồng, tỉnh Hòa Bình dự kiến làm theo phương thức PPP với tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án hỗ trợ xây dựng công trình, chi trả kinh phí GPMB… không quá 50% tổng mức đầu tư dự án. Với vốn ngân sách đối ứng (3.888 tỉ đồng) sẽ nâng cao tính khả thi của dự án. Thời gian dự kiến thu hồi vốn cho tuyến đường này là 24 năm.