Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sắp hoàn thành: Cần cơ chế ràng buộc trách nhiệm

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Ngày đường sắt Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác thương mại đã cận kề. Các chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là cơ chế ràng buộc trách nhiệm sau khi dự án hoàn thành.

Hoàn thành cột mốc quan trọng
 Chuyến tàu cuối cùng chạy thử từ ga Cát Linh về ga Yên Nghĩa được thực hiện lúc 23 giờ ngày 31/12/2020 với sự tham gia của đại diện các đơn vị của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Bộ GTVT, Tư vấn giám sát, Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống, Metro Hà Nội, Tổng thầu EPC. Đại diện Tổng thầu EPC cho biết, trong 20 ngày chạy thử toàn hệ thống đã có tổng cộng 5.700 chuyến tàu với tổng số hơn 70.000km di chuyển được thực hiện. Quá trình vận hành thử toàn hệ thống đều được thực hiện dưới dự giám sát của Tư vấn giám sát. Đơn vị Tư vấn đánh giá độc lập về an toàn hệ thống (Liên danh ACT) cũng tham gia một số buổi kiểm tra trong 20 ngày chạy thử này.
Quyền Giám đốc Ban QLDA Đường sắt (thuộc Bộ GTVT) Vũ Hồng Phương nhận định, việc hoàn thành vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày vừa qua là dấu mốc quan trọng để dự án thực hiện các bước tiếp theo. Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Phương cũng không quên nhấn mạnh, dự án còn rất nhiều nội dung cần thực hiện tiếp theo như: Hoàn thiện hồ sơ tài liệu, khắc phục hiện trường, thực hiện nghiệm thu, báo cáo... Đặc biệt, các nội dung này cần tập trung giải quyết cùng lúc, trong thời gian rất ngắn và có liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, cấp có thẩm quyền. Để hoàn thành tốt những nội dung còn lại, Quyền Giám đốc Ban QLDA Đường sắt yêu cầu Tổng thầu EPC, Tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, phối hợp tốt trong quá trình thực hiện các công việc còn lại.
 Sau ngày 10/1 mới có báo cáo của Tư vấn ACT Pháp
 Trước đó, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đơn vị này kỳ vọng ngày 4/1/2021 có báo cáo an toàn thứ 13 của Tư vấn ACT (Pháp). Sau khi có báo cáo này, nếu đạt, Bộ GTVT sẽ cùng TP Hà Nội và các đơn vị liên quan tiến hành nghiệm thu có điều kiện và bàn giao cho Hà Nội. Những hạng mục đã hoàn thiện và được đánh giá an toàn sẽ bàn giao, còn các hạng mục khác sẽ tiếp tục hoàn thiện theo chỉ đạo của Chính phủ. Sau khi Bộ GTVT bàn giao, Hà Nội có thể tiếp tục vận hành và đánh giá thêm hoặc tiến hành vận hành thương mại. Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, vấn đề an toàn hệ thống được tư vấn Pháp đánh giá là tương đối tốt.
 Chiều 6/1, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, đại diện Bộ GTVT cho biết, đến thời điểm hiện tại, cơ quan này vẫn chưa nhận được báo cáo chính thức từ đơn vị Tư vấn ACT của Pháp. “Dự kiến sau kỳ nghỉ năm mới của Tư vấn Pháp sẽ có báo cáo” – vị đại diện này nói và cho biết thêm, kỳ nghỉ năm mới này sẽ kéo dài đến hết ngày 10/1 (theo lịch nghỉ năm mới của phương Tây – PV). Về mốc thời gian cụ thể để đường sắt Cát Linh – Hà Đông có thể chạy thương mại, đại diện Bộ GTVT cho hay, điều này còn phụ thuộc rất lớn vào kết quả đánh giá an toàn hệ thống của Tư vấn Pháp. “Trong thời gian tới sẽ tiếp tục vận hành để thực nghiệm các tình huống để đảm bảo tính nhuần nhuyễn của đội ngũ nhân sự vận hành dự án” – đại diện Bộ GTVT cho hay.

Việc dự án hoàn thành chạy thử toàn hệ thống là điều rất đáng mừng, bởi đây là một trong những công đoạn rất quan trọng. Vấn đề còn lại là chờ kết quả đánh giá của Tư vấn ACT Pháp. Tuy nhiên, ngay cả khi dự án được bàn giao cho Hà Nội và đưa vào khai thác cũng cần phải chú trọng đến “phần hậu”. Tức là phải gắn trách nhiệm của chủ đầu tư, của tổng thầu nếu trường hợp công trình có sự cố hay vấn đề gì xảy ra.

Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy

Quý Nguyễn

Tin liên quan