Gánh nặng giá nhiên liệu kéo doanh nghiệp vận tải chìm sâu

 
Chia sẻ

Giaothonghanoi - Ngày 24/6, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong đó thống kê cụ thể tình hình kinh doanh vận tải 6 tháng đầu năm của thành viên hiệp hội.

Ganh nang gia nhien lieu keo doanh nghiep van tai chim sau - Hinh anh 1
Sản lượng xe buýt tháng 5/2021 cũng giảm sâu tới 30% so với cùng kỳ. 

Những con số này cho thấy sự ảm đạm thực sự đang diễn ra, tổng hợp chung cả 5 loại hình hoạt động vận chuyển hành khách chỉ đạt 20 - 30% so với trước dịch.

Cụ thể, xe chở khách tuyến cố định chỉ đạt khoảng 30% so với trước dịch, số xe nằm chờ tại bãi không hoạt động là trên 50%. Đối với xe taxi, chỉ có 20-30% xe hoạt động, 70-80% còn lại nằm chờ tại bãi. Số km xe chạy mỗi ngày giảm quá nửa so với trước dịch. Xe buýt ước đạt 45-50%. Loại hình vận chuyển hành khách theo hợp đồng là 20-30%. Thấp nhất trong nhóm này là dịch vụ chở khách du lịch khi thống kê sản lượng chỉ ở mức 10 – 15% do khách quốc tế không được nhập cảnh, khách nội địa thực hiện giãn cách nên không có nhu cầu về du lịch.

Vận tải hàng hóa cũng không khả quan hơn dù mức độ ảnh hưởng ở mỗi địa phương là khác nhau. Theo nhận định chung của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, sản lượng và doanh thu của vận tải hàng hóa ước đạt khoảng 70 - 80%, tùy theo từng vùng miền, từng khu vực.

Nhưng dù có doanh thu thì doanh nghiệp vẫn bị lỗ, thậm chí lỗ nặng vì chi phí cho xe hoạt động không giảm theo doanh thu mà còn có chiều hướng tăng theo giá nhiên liệu, đồng thời phải thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và TP Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, Sở GTVT Hà Nội đã triển khai các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải.

Diễn biến dịch phức tạp khiến các phương tiện kinh doanh vận tải ngừng hoạt động, giảm số chuyến, giảm sức chứa... dẫn đến sản lượng và doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, các khoản chi phí lớn phải trả như lãi vay ngân hàng, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội... gây ra nhiều áp lực, ảnh hưởng lớn đến đời sống và hoạt động của các đơn vị vận tải.

 

Ganh nang gia nhien lieu keo doanh nghiep van tai chim sau - Hinh anh 2
 Những quầy bán vé trống không ở bến xe Mỹ Đình.

Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị vận tải, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP Hà Nội 6 nhóm nội dung nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị vận tải trên địa bàn thành phố. Trong đó, Sở GTVT cho rằng cần xem xét giảm lãi suất, giãn nợ và các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố.

Kiến nghị với Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hoặc kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ. Lùi thời hạn lắp đặt camera trên phương tiện.

Kiến nghị UBND TP chỉ đạo Cục thuế Hà Nội và các đơn vị liên quan xem xét việc giảm thuế hoặc kéo giãn thời gian đóng thuế cho DN.

Đối với việc hỗ trợ giảm giá dịch vụ xe ra vào bến, Sở GTVT đã có báo cáo với UBND TP Hà Nội và đề nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị khai thác bến xe triển khai thực hiện. Đồng thời chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Vận tải hành khách công cộng cũng cần “cứu trợ”

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, sản lượng hành khách và doanh thu trên các tuyến xe buýt sụt giảm nghiêm trọng về nhiều mặt. Cụ thể, sản lượng xe buýt trong quý I năm 2021 giảm 9,3 triệu lượt, tương ứng giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu giảm 13,9 tỷ đồng, tương ứng giảm 10,9%. 
Sản lượng xe buýt tháng 5/2021 cũng giảm sâu tới 30% so với cùng kỳ; 41,5% so với tháng 4/2021. Doanh thu thực hiện cũng giảm tương ứng, 40% so với cùng kỳ 2020 và ít hơn 51,2% so với tháng 4/2021.
Với những con số thống kê này, Sở GTVT Hà Nội cho biết đã đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng, doanh thu do nguyên nhân bất khả kháng. Ngoài ra là hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm 2021 đối với các dự án đầu tư, thay mới phương tiện là xe buýt để nâng cao chất lượng dịch vụ. 

 

Vũ Khoa

Tin liên quan